Xu hướng quốc tế về ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực An sinh xã hội

00:00 12/10/2020

Ứng dụng CNTT ngày càng trở nên quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống trong đó có An sinh xã hội. Ở các mức độ khác nhau, việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT sẽ đem lại lợi ích cho nhiều phía; một mặt giúp các tổ chức an sinh xã hội tăng cường các biện pháp cải thiện năng lực tổ chức thực hiện, các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa trục lợi dịch vụ; mặt khác giúp nâng cao tính minh bạch của hệ thống, từng bước nâng cao niềm tin từ phía người dân.

 Xây dựng nguồn dữ liệu lớn

Việc xây dựng được một nguồn dữ liệu lớn từ đó thực hiện các thuật toán phân tích, thống kê sẽ giúp các tổ chức An sinh xã hội nắm sát tình hình thực tiễn; các vấn đề đã và đang diễn ra được thể hiện rõ qua các con số thống kê thuyết phục. Quan trọng hơn, từ những phân tích, việc dự báo xu hướng, diễn biến trong tương lai trở nên dễ dàng hơn; điều này cực kỳ quan trọng với những chính sách mang tính chất dài hạn như hưu trí. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) sẽ càng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn dữ liệu trong cả khâu cập nhật thông tin, thống kê, phân tích và dự báo xu hướng. Cụ thể hơn, việc phân tích dữ liệu có thể cho phép phát hiện các thủ đoạn gian lận phức tạp, tinh vi, từ đó sớm chủ động có biện pháp ngăn ngừa các hành vi có thể thực hiện ở quy mô rộng, thiệt hại lớn. Tính năng này đã được thực hiện tại Pháp, Agentina, Italy… Phân tích dữ liệu cũng sẽ cho thấy rõ xu hướng hành vi, mong muốn của người thụ hưởng chính sách, từ đó sớm có những biện pháp cải thiện, nâng cao hiệu quả dịch vụ (đã được ứng dụng tại Pháp). 

Ảnh minh họa

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo; chatbot thông minh

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo dần trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực và ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống. Tuy nhiên, trong lĩnh vực An sinh xã hội hiện nay chủ yếu dùng để thiết lập hệ thống trả lời tự động thông minh. Với ngân hàng dữ liệu lớn với các câu hỏi tiềm năng, xây dựng hệ thống trả lời bằng trí tuệ nhân tạo sẽ bảo đảm đáp ứng yêu cầu trả lời người dân 24/7. Hiện nay, các ứng dụng này đã được triển khai tại Malaysia, Phần Lan, Uruguay, Argentina, Bỉ…

Blockchain

Blockchain là một thuật ngữ khá phức tạp, tuy nhiên ứng dụng của công nghệ này đã và đang cho thấy tính hiệu quả trong nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự minh bạch, đòi hỏi tính truy xuất thường xuyên. Tiêu biểu nhất cho ứng dụng công nghệ này là tại Estonia để truy xuất, kiểm tra thông tin trong hồ sơ sức khỏe điện tử, đơn thuốc điện tử; tại Bỉ ứng dụng để tái cấu trúc thông tin về BHYT; tại Ả Rập, thí điểm việc cấp giấy chứng nhận ốm đau…

Những thách thức và cơ hội

Công nghệ ngày càng phát triển đem đến những khó khăn nhất định với các tổ chức An sinh xã hội. Đó chính là sự phức tạp hay phải đầu tư một nguồn kinh phí lớn ban đầu nhằm từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý. Bên cạnh đó, để ứng dụng công nghệ thông tin, cần quá trình xây dựng hoặc chuyển đổi dữ liệu truyền thống thành dạng dữ liệu số để ứng dụng phần mềm hoặc phục vụ cho việc phân tích dữ liệu lớn. Việc tuân thủ các quy định bảo mật nguồn dữ liệu quan trọng, có tính chất cá nhân, riêng tư với từng người tham gia An sinh xã hội với sự phức tạp luôn đòi hỏi kinh nghiệm và luôn phải cập nhật, làm mới cách thức một cách thường xuyên. Với những yếu tố vừa nêu, việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa bộ máy quản lý An sinh xã hội cũng đứng trước những rủi ro về đầu tư hệ thống; tính hiệu quả chỉ có thể được kiểm chứng sau khi đã đầu tư một khoản kinh phí lớn, triển khai thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Dù vậy, công nghệ thông tin cũng đem đến những cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển An sinh xã hội ở các quốc gia, cải thiện dịch vụ để phục vụ người dân một cách hiệu quả hơn. Với việc xây dựng được nguồn dữ liệu lớn cũng như thường xuyên thực hiện việc phân tích dữ liệu mang tính chất tự động, hệ thống quản lý sẽ có thể bảo đảm phục vụ sát hơn với nhu cầu của từng nhóm khách hàng thay vì đáp ứng nhu cầu của một số đông trước kia; chất lượng dịch vụ vì vậy sẽ tiệm cận gần hơn với mong muốn của khách hàng. Công nghệ cũng cải thiện rất đáng kể việc quản lý dữ liệu của người tham gia và thụ hưởng các chế độ An sinh xã hội; các thông tin về quá trình đóng – hưởng, tình trạng việc làm, mức thu nhập làm căn cứ tính đóng… luôn được cập nhật, bảo đảm nâng cao tính chính xác trong quản lý cũng như thực hiện các chế độ hưởng cho người lao động. Với khả năng phân tích, cập nhật của hệ thống máy tính, việc truy cập và có được dữ liệu, số liệu ở các quy mô, tính chất khác nhau luôn được đảm bảo; không chỉ dừng lại ở phân tích thống kê mang tính vĩ mô, dữ liệu của từng cá nhân cũng dễ dàng được truy cập, nâng cao hiệu quả trong việc giám sát, ngăn ngừa trục lợi và bảo đảm hưởng các chế độ một cách thuyết phục.

Ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ đem lại lợi ích cho riêng tổ chức an sinh xã hội cũng như quản lý trong lĩnh vực này. Với khả năng đồng bộ, kết nối dữ liệu an sinh xã hội với các cơ quan quản lý các lĩnh vực khác, việc xây dựng Chính phủ điện tử sẽ trở nên thuận lợi hơn, bảo đảm tính liên kết trong quản lý, phân tích dữ liệu vĩ mô; việc hoạch địch chính sách trung và dài hạn chắc chắn sẽ đảm bảo tính chặt chẽ, thuyết phục hơn, bảo đảm cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế với các chính sách xã hội. Từ góc nhìn quản lý an sinh xã hội, xu hướng phát triển của công nghệ chắc chắn tác động mạnh mẽ để những người lãnh đạo tích cực hơn trong những cải cách hệ thống với những thay đổi cơ bản cả về chính sách và quy trình nghiệp vụ. Với những người tham gia và thụ hưởng chính sách An sinh xã hội, tính minh bạch của hệ thống là điều tích cực được thấy rõ. Bằng việc dễ dàng truy cập, kiểm tra quá trình tham gia cùng những quyền lợi được hưởng theo luật định sẽ nâng cao tính minh bạch của hệ thống, từng bước nâng cao sự tin tưởng từ phía người dân với chính sách An sinh xã hội. Việc sử dụng các tính năng mới, hiện đại, với những ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm thông tin, tra cứu… sẽ góp phần từng bước xây dựng một nền văn hóa An sinh xã hội mới trong tương lai thích ứng với xu hướng phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0./.

RAUL RUGGIA-FRICK 

Chuyên gia Tổ chức An sinh xã hội thế giới - ISSA