Xây dựng, phát triển thương hiệu: Sức mạnh từ liên kết

00:00 12/10/2020

Không chỉ thúc đẩy liên kết cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước, để xây dựng và phát triển thương hiệu, DN cần đầu tư công nghệ, tạo ra sản phẩm chất lượng, từ đó thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng, trong đó có cả người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài… đó là những ý kiến đóng góp tại Tọa đàm “Kết nối thương hiệu Việt” mới được tổ chức tại Hà Nội.    

Tầm quan trọng của liên kết

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư - nhấn mạnh: "Liên kết để cùng tạo nên sức mạnh của cộng đồng DN Việt, thương hiệu Việt là yếu tố quan trọng để vượt qua thách thức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đó cũng là yếu tố tạo nên sức mạnh thương hiệu quốc gia, đưa đất nước tiến nhanh đến sự phồn thịnh".

xay dung phat trien thuong hieu suc manh tu lien ket
Các đại biểu tham dự tọa đàm

Liên kết giữ vai trò quan trọng với sự phát triển thương hiệu DN, song theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện sự liên kết giữa các DN Việt, thương hiệu Việt chưa chặt chẽ. Làm gì để tăng cường liên kết giữa các tập đoàn lớn của Việt Nam với nhau, và làm thế nào để các tập đoàn, DN lớn, đóng vai trò dẫn đầu trong kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), DN khởi nghiệp?.

Buổi tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến về xây dựng, phát triển thương hiệu của DN, đặc biệt tính quan trọng của liên kết tạo nên sức mạnh thương hiệu Việt, tăng sức cạnh tranh cho DN Việt… Ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup - nêu ý kiến: Hiện sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hết sức yếu, và có nhiều cách để khắc phục, chẳng hạn như có chính sách nhà nước.

"Thế nhưng, từng DN cần phải có ý thức và biện pháp để vươn lên, một trong những vấn đề quan trọng là các DN cần liên kết với nhau" - ông Hiệp nhấn mạnh.

Theo ông Lê Khắc Hiệp, Vingroup ngay từ đầu đã ý thức việc xây dựng thương hiệu. Trong 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, có 3 thương hiệu của Vingroup góp mặt là: Vinhomes, Vincom Retail, Vincommerce, hiện có giá trị nhiều triệu USD. "Bản thân Vingroup luôn ý thức là DN tư nhân hàng đầu, luôn cố gắng vươn lên chiếm lĩnh vị trí tiên phong, mặt khác dẫn dắt các thương hiệu khác cùng vươn lên. Bởi nếu chỉ có một DN thì Việt Nam khó mà phát triển được, nên các DN cần đồng hành cùng nhau" - ông Hiệp khẳng định.

Coi trọng chất lượng sản phẩm

Về việc xây dựng thương hiệu DN, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) - cho biết: Quan điểm của THP là không thể đi một mình để phát triển mà phải có sự hợp tác từ phía các nhà cung ứng. Theo bà Uyên Phương, THP coi người tiêu dùng là vấn đề cuối cùng, vì thế, luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng, chứ không chỉ chú trọng lợi nhuận tức thời.

Để phát triển thương hiệu, trở thành công ty top 10 châu Á trong ngành giải khát và thực phẩm, THP đã có sự phát triển trong tư duy, trước đây nhà cung cấp chỉ là mua đứt bán đoạn, sau này là đối tác. Có nghĩa là, cần có sự chung tay với đối tác để xây dựng thương hiệu.

THP cũng quan niệm, xây dựng thương hiệu là cả một quá trình đầu tư dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Bản thân THP muốn xây dựng một thương hiệu Việt tồn tại 100 năm. Nay THP mới được 25 năm, nhưng chúng tôi tự tin xây dựng được thương hiệu 100 năm.

Thạc sĩ Đặng Thanh Vân - Chủ tịch CTCP Thương hiệu và Quản trị Thanhs - cho rằng: Điểm yếu trong việc xây dựng thương hiệu Việt là khả năng kết nối giữa các DN với nhau.

Ví dụ: "Chúng ta chào hàng ở nước ngoài thường đi theo nhóm các DN ngang hàng, cùng trong một hiệp hội, tức là không có nhiều giá trị khác biệt. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, họ liên kết theo chiều dọc, theo chuỗi giá trị, chẳng hạn, DN sản xuất đi với DN phụ trợ, DN luật, tư vấn" - Thạc sĩ Đặng Thanh Vân cho biết.

Theo ông Vũ Xuân Trường - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh: Hiện, chúng ta đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong xây dựng thương hiệu Việt. Đó là vấn đề quy mô nhỏ, đơn lẻ; chất lượng, an toàn; năng lực chế biến; khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

Chỉ đến khi nào, người dân nhìn thấy một thương hiệu và yên tâm rằng vào đây mọi thứ đều tốt thì đó là thành công khi làm thương hiệu. Vì vậy, phải xây dựng những thương hiệu lớn để người dân mua hàng có nhiều lựa chọn, và đặc biệt không còn phải lăn tăn về chất lượng sản phẩm.

"Giải pháp ở đây là, cần ứng dụng công nghệ thương hiệu Việt như phát triển DN công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; gia tăng tốc độ chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh ngành hàng. Kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN và người dân. Tiếp cận từ ngành hàng chủ lực đến sản phẩm chủ lực và thương hiệu chủ lực làm đầu tàu phát triển" - ông Vũ Xuân Trường đề xuất.

Việc kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất và thương mại còn hạn chế là nguyên nhân khiến Việt Nam có ít DN thành công, trở thành tập đoàn kinh tế lớn.

Linh Nhi