Thị trường logistics phục vụ thương mại điện tử ngày càng sôi động

00:00 12/10/2020

Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng Việt Nam sau dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa của thị trường thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao nhận.

 Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đang dần hình thành một thói quen tiêu dùng mới của người dân, đó là ăn uống, mua sắm tại nhà. Theo nghiên cứu của Nielsen tại thị trường Việt Nam, tác động của Covid-19 khiến cho hơn 50% người dân giảm tần suất ghé các cửa hàng truyền thống; 82% người tiêu dùng giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài...

Người tiêu dùng tiếp tục mua sắm trực tuyến nhiều hơn sau đại dịch Covid-19

Dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen mua sắm của rất nhiều người. Và có thể trong giai đoạn hậu dịch bệnh, những thói quen đó vẫn sẽ tiếp tục. Cũng theo Nielsen, có 64% người tiêu dùng cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến hậu dịch. Trong khi đó, 63% tiếp tục mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

 Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong nền kinh tế số đã định hình lại các ngành nghề, lĩnh vực với cách thức quản trị mới, tập trung vào trải nghiệm khách hàng một cách trọn vẹn từ cung ứng đến giao hàng, thanh toán. Thị phần thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng tận nơi dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu khi việc mua sắm trực tuyến, đặt hàng qua mạng đang trở thành xu hướng.

Với nhóm các dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ mua bán trực tuyến, sự tiện lợi sẽ khiến người tiêu dùng gắn bó thay vì việc quay trở lại mua sắm theo các kênh truyền thống. Tốc độ giao hàng sẽ là yếu tố quyết định với các hãng giao đồ ăn và sàn thương mại điện tử.

Nhu cầu về logistics đang tăng mạnh tại Việt Nam, đặc biệt là sau đại dịch. Hoạt động và sự tăng trưởng của sản xuất, phụ thuộc vào các yếu tố như: tiền lương, tiêu dùng, dân số trẻ… và sự bùng nổ của thương mại điện tử cũng chịu tác động ít nhiều bởi các yếu tố này. Ngành logistics Việt Nam những năm gần đây chứng kiến sự xuất hiện những “tay chơi” mới cả trong và ngoài nước, với sự trẻ trung, năng động và áp dụng công nghệ vào giải quyết bài toán vận chuyển.

Một xu hướng của năm 2019 là sự gia tăng mạnh mẽ của loại hình dịch vụ logistics phục vụ thương mại điện tử. Số lượng các công ty tham gia vào khâu giao hàng chặng cuối phục vụ cho thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là thương mại điện tử hàng rời, giá trị đa dạng và hàng ăn uống. Theo báo cáo của Bộ Công thương 2019, thị trường giao nhận sẽ tăng mạnh theo sức lớn của thương mại điện tử trong nước, vốn được dự báo tăng trưởng 30%/năm.

Thị trường xuất hiện nhiều cái tên ngoại với sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ.

Logistics cho thương mại điện tử Việt Nam đang nằm trong tay ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất gồm các công ty chuyên thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo. Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp lớn trong nước như Vietnam Post, Viettel Post, GHN cũng như các doanh nghiệp logistics nước ngoài như DHL, FedEx, TNT. Còn lại là các tên tuổi mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây, như GD Express, BEST Inc, J&T Express, Ninja Van...

Trong nhóm thứ ba, năm 2019 GD Express (Malaysia) công bố rót gần 3,3 triệu đô la để sở hữu 50% công ty chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco) nhằm chuẩn bị cho việc mở rộng thị trường tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Cùng năm, BEST Inc (Trung Quốc) cũng ra mắt thị trường Việt. BEST Inc. Vietnam đã đầu tư vào VNC Post – một đơn vị chuyển phát nhanh chuyên nghiệp và là đối tác của các sàn thương mại điện tử và vận chuyển Home Shopping hàng đầu Việt Nam.

Ninja Van chính thức tham gia thị trường ở Việt Nam vào năm 2018. Thành lập năm 2014 tại Singapore, Ninja Van nhận được hơn 100 triệu đô la Mỹ đầu tư và hoạt động tại 6 quốc gia Đông Nam Á gồm: Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Gia nhập thị trường sớm hơn từ năm 2017, J&T Express (Indonesia) định hình là doanh nghiệp chuyển phát nhanh dựa trên nền tảng công nghệ và Internet. J&T Express đã xây dựng mạng lưới hơn 700 bưu cục trải dài khắp Việt Nam chỉ trong vòng một năm gia nhập. Kể từ ngày 13/6/2019 J&T Express đạt ngưỡng hơn 100.000 đơn hàng mỗi ngày. Ngoài ra, J&T Express phủ mạng lưới đến 7 thị trường khu vực Đông Nam Á.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ đô la/năm. Tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức.

Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và e-Logistics. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử tăng trưởng 35%/ năm; doanh số bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 ước tính tăng 20%/năm và tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ đô la vào năm 2020.

Nhìn chung, chất lượng dịch vụ logistics tại Việt Nam đang có sự chuyển biến đáng kể theo hướng tích cực trong vài năm trở lại đây. Trong đó, cơ sở hạ tầng về thương mại - giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin cũng như chất lượng dịch vụ logistics đến từ khu vực tư nhân đang được cải thiện nhanh chóng, rõ rệt.

Đa số các chuyên gia trong ngành logistics đều cho rằng năm 2018 - 2019 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của vận tải và logistics trong thương mại điện tử Việt Nam. Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải và logistics, đặc biệt là dịch vụ giao hàng tăng cao. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng 24%, số lượng đơn hàng qua công ty giao hàng nhanh tăng trưởng trung bình 45% giai đoạn 2015 - 2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng vào năm 2020. 

Nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ đang định hướng phát triển E-commerce, hay việc các ông lớn ngành thương mại điện tử như Alibaba, Amazon... gia nhập vào Việt Nam đã làm thị trường logistics sôi động hơn, đi kèm theo đó là yêu cầu phải có sự đầu tư công nghệ và độ kỹ lưỡng trong dịch vụ vận tải và logistics. 

Linh Vũ – Duy Kỳ