Tạo lập cơ sở cho phát triển nhanh và bền vững

00:00 12/10/2020

Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại hội thảo khoa học “Củng cố và tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 10/6/2018 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo

Dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, UV Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ coi hội thảo là đóng góp quan trọng vào quá trình tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh Đại hội Đảng năm 1991 về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phòng an ninh giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chiến lược cho giai đoạn 2020 - 2030.

Theo Phó Thủ tướng, chủ đề của hội thảo là có ý nghĩa khi nhiều hội thảo chỉ tập trung bàn về tăng trưởng bền vững nhưng hội thảo này bàn tới vấn đề tạo lập nền tảng cho cả tăng trưởng nhanh và bền vững. Phó Thủ tướng đặt vấn đề phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức cần thiết bởi nếu đất nước không phát triển nhanh rất dễ bị tụt hậu. “Tăng trưởng nhanh chính là điều kiện phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu quan điểm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo

Liên quan đến cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn nhận xét thời gian qua có tình trạng nói quá nhiều về cuộc cách mạng này thế nhưng cơ hội, thách thức ra sao, nhiều nội hàm vẫn chưa được làm rõ. Phó Thủ tướng cho rằng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thiên nhiều về các ý tưởng hơn là mặt công nghệ. “Chúng ta phải hành xử như thế nào với cuộc cách mạng khoa học này khi mà chưa tạo được đột phá khi thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và mạnh bằng công nghệ thông tin?”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng lâu nay vấn đề phát triển bền vững đã được đặt ra nhưng các chỉ tiêu cụ thể về sự bền vững của nền kinh tế là chưa có, Phó Thủ tướng cho biết, tại hội thảo này, Chính phủ mong muốn “đặt hàng” các nhà khoa học về nội dung này.

Chia sẻ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,  TS Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Để tối đa hóa những cơ hội, giảm thiểu những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần giải quyết tối đa các bài toán lớn. Đó là bảo đảm  thể chế không bị tụt lại trong cuộc chạy đua với công nghệ, để mở đường cho các công nghệ và phương thức sản xuất mới đi vào cuộc sống; phải có cách thức thúc đẩy để bảo đảm kỹ năng không bị tụt hậu lại so với công nghệ; giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội và môi trường còn tồn đọng. Bên cạnh đó, cần học tập kinh nghiệm ứng phó của các nước khác, đặc biệt là các nước đi trước trong cách mạng công nghệ 4.0 là rất quan trọng.

Trong khi đó, TS. Đặng Kim Sơn,  chuyên gia Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhìn nhận, để trở thành nước công nghiệp hóa thành công cần đẩy mạnh vai trò nông nghiệp nông thôn trong công nghiệp hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật và thực tiễn, gắn kết và hòa nhịp với đô thị cùng nền kinh tế tập trung vào chất lượng, hiệu quả, giá trị bền vững.

Với chủ đề “Nền tảng của tăng trưởng dài hạn: các vấn đề đặt ra cho tái cơ cấu”, tham luận của TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nêu lên nhiều cách tiếp cận đáng chú ý cho việc tạo lập những cơ sở tăng trưởng nhanh và bền vững thời gian tới. TS Thiên nhìn nhận rằng vốn tư nhân đang dần thay thế vốn nhà nước trong việc tạo động lực phát triển nhanh của nền kinh tế. Điều này được chứng minh qua mức tăng trưởng ấn tượng của GDP quý I năm 2018 khi mà các nguồn vốn nhà nước đầu tư vào nền kinh tế bị hạn chế. “Nhìn xa hơn chính kinh tế tư nhân đã cứu nền kinh tế khỏi bị sụp đổ vào năm 1985 nhưng tới bây giờ, kinh tế tư nhận mới được xem là động lực quan trọng của nền kinh tế”, TS Thiên nói.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, TS Trần Đình Thiên thẳng thắn chỉ ra rằng, thực tế cho thấy chưa có được một ý định thay đổi cấu trúc mô hình phát triển một cách thật rõ ràng trong khi vẫn còn tư tưởng chắp vá, thậm chí là “cơi nới”. Ông Thiên lấy ví dụ về thị trường bất động sản vẫn được các cơ quan quản lý lo kiềm chế hơn là lo tạo dựng hành lang phát triển. Hệ quả theo TS Thiên, hoạt động đầu cơ sẽ lớn hơn hoạt động đầu tư. Về nội dung này tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê phán một nhận định gần đây của một quan chức về thị trường bất động sản là “rất thiếu trách nhiệm” khi quan chức này cho rằng thị trường bất động sản trong nước đã có tới 8/10 yếu tố bong bóng.

Theo TS Thiên, trong cách tiếp cận tăng trưởng tới đây cần đề cao yếu tố minh bạch và đặc biệt là cần “hỗ trợ người thắng cuộc” hơn là “chọn người thắng cuộc”.

Quang Lộc