Sầm Sơn in dấu chân Bác Hồ

00:00 12/10/2020

Những ngày thu lịch sử, khắp đất trời xứ Thanh nói chung và thành phố biển Sầm Sơn nói riêng diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm Ngày mất của Người (2/9/1969 – 2/9/2019). Sinh thời Bác Hồ đã về thăm Sầm Sơn và giành cho ngư dân nơi đây những tình cảm đặc biệt. Chính vì lẽ đó, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của Sầm Sơn, sự kiện này là niềm tự hào lớn nhất, là trang sử vẻ vang nhất mãi còn ghi.

Đất và người Sầm Sơn thương nhớ Bác

Sầm Sơn in dấu chân Bác Hồ - Người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất của thế giới. Bởi trong trời gian nghỉ dưỡng từ ngày 17/7– 19/7/1960, Bác Hồ đã để lại trong lòng ngư dân Sầm Sơn những tình cảm chẳng thể nào quên.

Chùm ảnh Bác Hồ với Sầm Sơn được treo ở khu phố Vinh Sơn

Những ngày này, để tỏ lòng kính yêu và thương nhớ Bác, những bức ảnh của Bác trong những ngày về thăm Sầm Sơn như: Bác Hồ kéo lưới, Bác Hồ đến thăm khu làng Vinh Sơn, Bác Hồ tắm biển,... đã được UBND TP Sầm Sơn thu thập từ Bảo tàng Hồ Chí Minh  trưng bày khổ lớn xung quanh khuôn viên Hòn Trống Mái trên núi Trường Lệ. Không gian nơi đây vào thu, nắng dát vàng kẽ lá, gió heo may về se lạnh luồn qua rừng phi lao lá nhọn đẫm màu thu lịch sử. Bầu trời trong xanh, khí hậu Trường Lệ ấm áp ôn hòa vang mãi lời dạy thiêng liêng, bất hủ của vị cha già kính yêu của dân tộc.

Đền Cô Tiên trên đỉnh Trường Lệ có không gian thoáng mát, cổ kính và huyền thoại là nơi Bác chọn để nghỉ ngơi và làm việc trong những ngày về với Sầm Sơn. Ngoài ra, ở đây Bác còn nghiên cứu con đường chiến lược trên biển để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau này con đường ấy được gọi là đường Hồ Chí Minh trên biển, một huyền thoại kỳ vĩ góp phần chiến thắng giặc Mỹ xâm lược thống nhất nước nhà. Sự nghiệp văn chương cũng như con đường cách mạng của Người luôn gắn với núi rừng, nơi Bác ở và làm việc nhiều nhất. Thủ đô Việt Bắc ngày ấy với bao kỷ niệm lịch sử, nghĩa tình trong những ngày băng rừng, lội suối, lúc lên núi, lúc trèo đồi mà khi Bác về xuôi thì “rừng núi trông theo bóng Người”. 

Hình ảnh Bác Hồ cởi trần, chỉ mặc chiếc quần cụt vải, sải bước dài trên bãi cát vàng tới chỗ bà con ngư dân đang kéo lưới thân thương, giản dị và gần gũi còn in đậm trong tâm thức của người dân Sầm Sơn bao thế hệ. Gia đình ngư dân được Bác đến thăm vẫn còn lưu giữ một bức ảnh Bác Hồ và họ xem bức ảnh đó “là kỷ vật, nó là vàng. Nhưng vàng ăn thì hết, tấm ảnh còn lưu truyền cho con cháu sau này…”.. Có thể nói dân gắn với Bác Hồ như cá gắn với nước, Bác ra đi nhưng tâm hồn, tình cảm và lời dạy của Bác vẫn còn mãi.

Ảnh và tư liệu về Bác trong Triển lãm Bác Hồ với Sầm Sơn xung quanh khuôn viên hòn Trống Mái

Chính nhờ cuộc triển lãm trưng bày ảnh và tư liệu của Bác trên núi Trường Lệ mà mùa thu năm nay Trường Lệ  trở nên quyến rũ, linh thiêng đến lạ thường! Đi bộ trên con đường nhựa uốn lượn quanh co, lướt qua những dãy phi lao xanh xanh, những loài hoa muôn màu sắc là cả một không gian trưng bày ảnh Bác rộng lớn, thiêng liêng. Dừng chân trên đỉnh núi, nằm trên cánh võng thỏa sức đong đưa trong không gian yên ắng, tĩnh lặng của đất trời, hít thở thật sâu để thấy mùi hương thanh khiết, thơm tho của núi rừng và hoa cỏ Trường Lệ, rồi chìm sâu vào những câu chuyện ân tình ân nghĩa về Bác, về  ngư dân Sầm Sơn để thêm yêu kính Bác và thấy lòng mình trong sáng hơn.

Sầm Sơn “đổi thay” theo lời Bác dạy

“...Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế của mình để phát triển du lịch mà thu lấy tiền...”. Khắc ghi lời căn dặn của Bác, hơn 50 năm qua, cán bộ và chính quyền Sầm Sơn không ngừng đổi mới để đến ngày hôm nay, Sầm Sơn đã vươn mình thành một thành phố trẻ năng động, mở cửa hội nhập và phát triển, chào đón du khách khắp nơi về nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Tỷ trọng ngành dịch vụ du lịch luôn giữ vững vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư đồng bộ, các cơ sở lưu trú phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng; nguồn nhân lực phục vụ du lịch cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh; các sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa; phương thức quản lý và tổ chức các dịch vụ được đổi mới và phát huy hiệu quả; giải quyết cơ bản những vấn đề bức xúc trong văn hóa du lịch, văn minh đô thị. Chất lượng du lịch nâng lên rõ rệt.

Đến đây, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi cảnh quan thiên nhiên “Sơn thủy hữu tình” mà còn đượng trải nghiệm những công trình nghỉ dưỡng hiện đại hàng đầu Việt Nam. Các dự án, công trình quy mô lớn đã và đang được đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng như: Đường Hồ Xuân Hương, Đại lộ Nam sông Mã, đường Nguyễn Du,, Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, Khu đô thị sinh thái dọc hai bờ sông Đơ, Khu đô thị du lịch sinh thái biển Đông Á... Đặc biệt, dự án quảng trường biển và khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí do Tập đoàn Sun Group đầu tư đang được tích cực triển khai thực hiện sẽ mở ra triển vọng mới tươi sáng cho sự phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của thành phố.


FLC Sầm Sơn - Công trình nghỉ dưỡng hiện đại bậc nhất Việt Nam (nguồn: Internet)

Danh thắng Trường Lệ in dấu chân Bác Hồ nằm giữa không gian biển cả bao la, núi non hùng vĩ, lãng mạn đậm chất huyền thoại và lịch sử. Hiện nay, thành phố Sầm Sơn đang liên hệ với các cơ quan có chuyên môn, nhà nghiên cứu để xác định chính xác các công trình xây dựng trên núi Trường Lệ để có kế hoạch xây nơi đây thành địa chỉ du lịch tâm linh nghỉ dưỡng không thể thiếu đối với du khách mỗi khi đến với Sầm Sơn.

Ông Lương Tất Thắng, Chủ tịch UBND Tp Sầm Sơn chia sẻ: “Chính quyền và nhân dân Tp Sầm Sơn luôn khắc ghi lời dạy của Bác năm xưa, lấy đó làm động lực để cố gắng phấn đấu phát triển Sầm Sơn thành một đô thị biển năng động và đáng sống trên con đường hội nhập và phát triển. Du lịch Sầm Sơn Năm 2019 đã có những bước “chuyển mình” đáng ghi nhận để sớm đưa Sầm Sơn thành trọng điểm du lịch biển của cả nước xứng đáng với những gì Bác đã kì vọng. Tuy nhiên để trở thành một đô thị văn minh, thân thiện, phát triển bền vững, bên cạnh việc phát triển kinh tế xã hội, thành phố cần làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng văn hoá ứng xử cũng như phát huy những giá trị tốt đẹp của quê hương  miền biển”.

Hiền Minh