Ngân hàng sẵn sàng chia lửa với doanh nghiệp

00:00 12/10/2020

Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 được các ngân hàng, DN đánh giá cao.

Điểm tựa pháp lý cho ngân hàng

Nhìn chung lãnh đạo các ngân hàng đều tỏ ra rất phấn khởi khi Thông tư 01 được ban hành kịp thời đã tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh, đây là hành lang pháp lý quan trọng để ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ, đồng nghĩa với việc ngân hàng không phát sinh đột biến nợ xấu; mặt khác tạo điều kiện để các ngân hàng tiếp tục cho vay mới đối với dự án phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả trong thời gian tới. Ông Thành cũng cho biết, việc giảm lãi suất sẽ tùy theo khả năng tài chính của các TCTD; còn đối với Vietcombank, mức giảm lãi suất từ 1-1,5%/năm đối với dư nợ VND và 0,5%/năm đối với dư nợ ngoại tệ.

Lãnh đạo cấp cao của một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội cũng cho biết, trên tinh thần chỉ đạo của NHNN, ngân hàng đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ DN. Qua rà soát sơ bộ vào thời điểm đến cuối tháng 2/2020, đã có hơn 1.000 tỷ đồng dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng. Trong số đó, có nhiều khách hàng gần như hoàn toàn không có khả năng trả nợ. “Thông tư 01 ra đời đã tạo điều kiện cho ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản nợ được cơ cấu lại. Với ngân hàng, việc giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp không gia tăng nợ xấu. Còn với DN, việc không bị chuyển nhóm nợ cũng giúp họ không phải chịu lãi suất phạt quá hạn cũng như không bị trừ điểm tín dụng, qua đó sẽ không gặp khó khăn khi tiếp cận các khoản vay mới”, vị này cho biết.

Thông tư 01/2020/TT-NHNN là cơ sở pháp lý để các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Cũng chung tâm trạng như vậy, lãnh đạo SHB cho biết, cùng với xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng triển khai các chương trình, chính sách ưu đãi cho vay, phí... Hiện tại ngân hàng này dành riêng 3.000 tỷ đồng, và dự kiến sẽ tăng lên 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi dịch với lãi suất giảm lên tới 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với các khoản vay bằng USD.

Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cũng chia sẻ, ngân hàng này đã sẵn sàng mọi phương án hỗ trợ cho khách hàng DN, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 qua các cơ chế mở tại Thông tư. “Mặc dù, dịch Covid-19 đang tạo nhiều áp lực lên hệ thống ngân hàng... nhưng thực sự trong thời điểm khó khăn ngân hàng phải xác định là DN sống được thì ngân hàng mới triển được. Do vậy, khi DN gặp khó khăn thì ngân hàng cần phải chia sẻ”, ông Văn bày tỏ quan điểm.

Đảm bảo hỗ trợ đúng, trúng đối tượng

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp như giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ; miễn, giảm một số loại phí giao dịch thanh toán… để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid - 19. Tuy nhiên, việc hỗ trợ được ngân hàng và DN thỏa thuận trực tiếp với nhau tùy vào trường hợp cụ thể. Thông tư 01 được xem là cơ sở pháp lý giúp các TCTD triển khai giải pháp hỗ trợ cụ thể hơn.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá rất cao sự chủ động, trách nhiệm của các NHTM trong việc tích cực đưa ra nhiều biện pháp đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Thấu hiểu những gánh nặng đặt trên vai các ngân hàng, nên tại Thông tư 01, NHNN sẽ tạo cơ chế thuận lợi nhất để các ngân hàng được chủ động trong việc xử lý, tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn cho khách hàng. Đây là điểm khác biệt so với các chính sách trong thời gian trước đây, các quy định, điều kiện do phía cơ quan quản lý đặt ra.

Thực tế ngân hàng là người cho vay nên hơn ai hết họ là người hiểu rõ khách hàng mình như thế nào, đang trong tình trạng ra sao. Ngân hàng sẽ chủ động cân đối tình hình tài chính, đối tượng khách hàng, trên cơ sở đó có quyết định cho phù hợp. Thực tế triển khai cũng khó tránh khỏi việc xảy ra một số tình huống mang tính chủ quan như hỗ trợ người này, không hỗ trợ cho người kia. “Sòng phẳng mà nói, không ngân hàng nào muốn để mất khách nhất là khách hàng tốt. Nhưng phải nói một cách công bằng khách quan ở đây là ngân hàng đã rất nỗ lực chia sẻ khó khăn đối với khách hàng, trong khi bản thân ngân hàng cũng đối mặt với những khó khăn nhất định. Vì vậy, mọi chính sách không thể cào bằng”, ông Văn chia sẻ quan điểm.

Việc cho phép các TCTD chủ động quyết định trong triển khai chính sách, theo vị lãnh đạo cấp cao của NHTMCP trên địa bàn Hà Nội là phù hợp. Vì ngân hàng quyết định cho vay nên cũng sẽ nắm rõ nhất việc cần phải cơ cấu như thế nào đối với khoản nợ. Tuy nhiên, các cán bộ ngân hàng cũng sẽ chịu áp lực tâm lý nhất định trong quá trình thực hiện. “Dẫu còn khó khăn, nhưng với chủ trương, định hướng của NHNN, về phía NHTM thực hiện trên tinh thần tốt nhất, chính xác nhất đảm bảo chính sách phát huy hiệu quả”, vị này bày tỏ tin tưởng.

Tuy tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền trách nhiệm để các TCTD phối hợp cùng với khách hàng vay vốn xem xét quyết định về thời gian, mức độ hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay… nhưng đây là chính sách rất quan trọng, có tác động lớn đến hệ thống, nên tại Thông tư này NHNN quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN trong việc thanh tra, giám sát, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình TCTD thực hiện Thông tư. NHNN sẽ kiểm tra tại chỗ và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Cộng đồng DN bày tỏ vui mừng chính sách mới trên của NHNN và các ngân hàng. Ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Hanoi Red Tour cho biết, những hỗ trợ chính sách của Chính phủ, các bộ ngành lúc này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của DN. Bày tỏ mong muốn vay vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi nhưng ông Hoan đang băn khoăn gói tín dụng này sẽ kéo dài bao lâu khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Theo chia sẻ của ông Hoan, mỗi DN có một kế hoạch kinh doanh riêng và thời gian vay nợ cũng khác nhau. “Vì vậy, trong các gói tín dụng ưu đãi nên linh hoạt về thời gian cũng như lãi suất vay vốn phù hợp với kế hoạch, chu kỳ kinh doanh của từng DN. Nếu không ý nghĩa của gói ưu đãi này không nhiều…”.

Nguyễn Vũ