Hà Nội: Tăng cường giải ngân, miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19

00:00 12/10/2020

Quý I/2020, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ. Tăng cường giải ngân, miễn, giảm thuế, cắt giảm thủ tục hành chính sẽ được Hà Nội triển khai nhằm tạo thêm nhiều việc làm, giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid- 19.

 

Dự kiến có 128.000 hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I/2020 của UBND TP. Hà Nội diễn ra sáng 6/4, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Mạnh Quyền - cho biết: quý I/2020, tăng trưởng kinh tế được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2020 tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,44% (cùng kỳ tăng 6,9%); tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,4% (cùng kỳ tăng 10,2%), tổng mức bán lẻ tăng 2,3% (cùng kỳ tăng 10,1%); kim ngạch xuất khẩu giảm 18,1% (cùng kỳ tăng 12,9%); kim ngạch nhập khẩu giảm 21,3% (cùng kỳ tăng 3%).

Hà Nội: Tăng cường giải ngân, miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid- 19

Khách du lịch giảm mạnh. Tổng lượng khách du lịch giảm 47,2% (cùng kỳ tăng 9,1%), trong đó, khách quốc tế giảm 43,9% (cùng kỳ tăng 12,6%); tổng doanh thu giảm 38,8% (cùng kỳ tăng 32%); công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 23,4% (cùng kỳ đạt 74,9%).

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 927,4 triệu USD; đầu tư trong nước 7,14 nghìn tỷ đồng (8 dự án mới và tăng vốn). Có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 103 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và tăng 98% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều đạt thấp so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Nêu ý kiến tại cuộc họp, đại diện Cục Thống kê Hà Nội cho biết, ảnh hưởng nặng nề nhất trong quý I là khu vực dịch vụ, vận tải, kho bãi, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí. Qua tính toán sơ bộ, ngành vận tải kho bãi giảm 5,15%; du lịch lữ hành giảm 5,95%. Riêng 4 ngành này đã làm giảm GRDP của thành phố khoảng 1,26%, ảnh hưởng rất mạnh đến tăng trưởng quý I/2020 của Hà Nội.

Khu vực thứ 2 bị ảnh hưởng là công nghiệp, xây dựng do ảnh hưởng bởi xuất khẩu; sản phẩm bia rượu ngoài ảnh hưởng của dịch thì còn do ảnh hưởng của Nghị định 100 nên thay đổi thói quen tiêu dùng trong các gia đình. Với khu vực nông nghiệp, quý I giảm chủ yếu do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Dự báo, trong thời gian tới, một số ngành tiếp tục duy trì là ngành nông nghiệp, đầu tư xây dựng khi tăng cường giải ngân, thông tin truyền thông, nghiên cứu khoa học...

Ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội - cho biết, bắt đầu từ tháng 3/2020, các doanh nghiệp đã gặp khó khăn do phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh, thống kê có khoảng 15.000 hộ kinh doanh nghỉ, đến đầu tháng 4 có khoảng hơn 128.000 hộ kinh doanh tạm ngừng. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp chế tạo, vận tải, đào tạo,…Trước tình hình đó, Cục Thuế Hà Nội đã tăng cường các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản tháo gỡ nguồn thu ở 3 cấp Trung ương, thành phố và địa phương, theo đó xác định nguyên nhân để hỗ trợ.

Trước diễn biến dịch Covid- 19, Cục Thuế cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó trong quý II, quý III và cả năm. Trước mắt, tháng 4 tới, Cục Thuế sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của thành phố liên quan đến đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuẩn bị điều kiện, công tác tuyên tuyền liên quan đến gói hỗ trợ miễn, giãn, giảm thuế của Chính phủ, Bộ Tài chính và thành phố cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, triển khai các chính sách của Trung ương và thành phố về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế ứng phó với tác động của dịch Covid- 19 đúng đối tượng; đôn đốc khai - nộp đầy đủ, đúng hạn. Chủ động thực hiện khảo sát, đánh giá về tác động của dịch Covid- 19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ phù hợp…

Cắt giảm ít nhất 5% chi thường xuyên

Dịch Covid- 19 đã, đang và sẽ tác động đến mọi mặt của kinh tế xã hội, để triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích thích phát triển kinh tế, xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng các dự án khởi công, hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc. Đôn đốc quyết liệt các công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

“Thực hiện cắt giảm ít nhất 5% chi thường xuyên; rà soát cụ thể tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ cấp bách”, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị phải đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân và cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 như: thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế (máy thở, dụng cụ xét nghiệm); dược phẩm;…

UBND thành phố sẽ ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid- 19", giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, và UBND quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 5 năm 2016 – 2020; nhất là xây dựng các phương án thu, chi ngân sách, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng chi thường xuyên và an sinh xã hội trong giai đoạn dịch bệnh.

Nguyễn Hạnh