GoViet sắp đổi thương hiệu thành Gojek

00:00 12/10/2020

Với chiến lược hợp nhất các ứng dụng và thương hiệu tại các thị trường.

Ảnh minh họa

Ngày 3.7, GoViet công bố sẽ hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek để trở thành Gojek Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Phùng Tuấn Đức, đồng sáng lập và nguyên là Giám đốc Vận hành GoViet, đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Gojek Việt Nam.

Gojek là tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á, một trong những đơn vị tiên phong của mô hình siêu ứng dụng (Super App) tích hợp, kết nối người dùng với hơn 2 triệu đối tác tài xế và 500.000 nhà hàng tại hơn 200 thành phố, ở 5 quốc gia Đông Nam Á. Ứng dụng Gojek, dựa trên nền tảng công nghệ toàn cầu mới, sẽ cho phép GoViet đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu và ưu tiên của người dùng Việt Nam thông qua việc đổi mới sáng tạo, đưa ra các tính năng và sản phẩm mới nhanh hơn, mượt mà hơn. Ứng dụng mới sẽ giúp người dùng Việt Nam có những trải nghiệm tốt hơn, với giao diện đơn giản, gọn gàng hơn và nhiều tính năng được nâng cấp. Người dùng cũng sẽ có thể sử dụng các dịch vụ của Gojek ở Indonesia, Singapore và Thái Lan.

Ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8.2018, GoViet hiện hoạt động trên 3 lĩnh vực là gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend), và đặt đồ ăn (GoFood) với hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 nhà hàng, phần lớn trong số đó là các cửa hàng siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong năm đầu tiên hoạt động, Công ty đã đạt mốc 100 triệu đơn hàng - con số này nhanh chóng tăng gấp đôi thành 200 triệu chỉ sau đó 6 tháng.

Ông Andrew Lee, Giám đốc các thị trường Quốc tế của Gojek, cho biết: “Với việc Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu tiên ngoài Indonesia, GoViet đã mở đường cho sự mở rộng hoạt động trong khu vực của Gojek và chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nhân rộng thành công này. Bằng cách hợp nhất các ứng dụng và thương hiệu tại các thị trường, chúng tôi sẽ có thể mang lại trải nghiệm tốt hơn nữa cho người dùng, đưa thành tựu hiện có của chúng tôi lên những tầm cao mới”.

Theo ước tính của Google và Temasek, thị trường gọi xe công nghệ, bao gồm cả dịch vụ giao thức ăn tại Việt Nam có thể tăng lên 2 tỉ USD vào năm 2025. Giai đoạn 2015-2019, trung bình mỗi năm thị trường gọi xe ở Việt Nam tăng trưởng 57% - cao nhất ở Đông Nam Á.

Mặc dù thị trường gọi xe vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, nhưng ABI Research cho rằng các nền tảng gọi xe trên toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ rất cao.

Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ có thêm nhiều cái tên mới là Unicar, GV taxi, Beamin và Zuumviet. Thống kê gần nhất của ABI cho thấy, trong 200 triệu chuyến xe ở Việt Nam được đặt qua các ứng dụng, Grab chiếm   trên 70% thị phần.

Uyên Mai

Tags: