Facebook Shops đưa doanh nghiệp nhỏ lên thương mại trực tuyến

00:00 12/10/2020

Mạng xã hội lớn nhất thế giới vừa cho ra mắt tính năng thương mại trực tuyến Facebook Shops, thu hút các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận 2,6 tỉ người dùng. Điều này không chỉ là cách thức mới để mở rộng doanh thu quảng cáo trong mùa dịch mà là bước tiến gần hơn của Facebook đến thị trường thanh toán toàn cầu.

Ngày 19.5, Facebook ra mắt Facebook Shops (cửa hàng Facebook) - tính năng miễn phí được tích hợp trên cả Facebook và Instagram. Chủ cửa hàng có thể đăng tải số lượng sản phẩm không giới hạn, nhắn tin trực tiếp với khách hàng, thậm chí nhận tiền thanh toán trực tiếp (hiện mới triển khai tại Instagram ở Mỹ, với bên bán trả phí sử dụng dịch vụ).

Với lượng người dùng lớn, nước cờ mới nhất của Facebook đã đưa gã khổng lồ mạng xã hội vào đường đua với những ông lớn thương mại điện tử toàn cầu như Amazon hay eBay.   

Facebook Shops đưa doanh nghiệp nhỏ lên thương mại trực tuyến - ảnh 1

CEO Mark Zuckerberg: Facebook Shops không chỉ là giải pháp tình thế để Facebook bù đắp doanh thu quảng cáo đang suy giảm vì Vovid-19. Ảnh: Forbes.com

Người dùng Facebook nay có thể trải nghiệm tính năng mua hàng bằng cách chạm vào hình ảnh bất kỳ. Đây vốn là tính năng đã xuất hiện từ lâu trên Amazon hay Shoptify, nhưng đội ngũ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) của Facebook đã cải thiện khả năng phân loại, nhận diện sản phẩm để trải nghiệm trở nên mượt hơn.
 

Trong tương lai, Facebook còn hướng tới việc đánh dấu các sản phẩm có trên các livestream ở cả Facebook và Instagram. Chỉ cần chạm vào thanh đánh dấu, người dùng sẽ được chuyển qua trang mua hàng ngay lập tức.

Trong buổi nói chuyện trực tuyến giới thiệu về Facebook Shops hôm 19.5, CEO Mark Zuckerberg bày tỏ hy vọng tính năng mới này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ lẻ, nhóm khách hàng chính của dịch vụ quảng cáo trong mùa dịch.

Thị trường tỏ ra ủng hộ nước đi mới của Facebook. Cổ phiếu công ty đã tăng 6,4%, lên mức kỷ lục 230,75 USD ngay sau khi sáng kiến Facebook Shops được công bố. Các chuyên viên phân tích tại công ty nghiên cứu và quản lý đầu tư AB Bernstein nhận định rằng Facebook Shops có thể mở ra thị trường trị giá 1.300 tỉ USD.

Tuy vậy việc bán hàng trên Facebook không còn là điều mới mẻ. Từ năm 2016, Facebook đã triển khai tính năng Marketplace giúp trao đổi mua bán ngay trên nền tảng. Vậy Facebook Shops có gì khác biệt?

Thực tế Marketplace không mang lại nhiều lợi nhuận cho Facebook. Đa số khách hàng dùng Marketplace để mua bán những món hàng đã qua sử dụng trong bán kính địa phương, vì vậy tính năng này không cung cấp được nhiều thông tin quý giá về hành vi người tiêu dùng.   

Một điều chắc chắn Facebook đang muốn đẩy mạnh kiếm lợi trên mảng thương mại điện tử. Đầu tháng Tư, công ty đã lên tiếng cảnh báo nguồn tiền từ quảng cáo đang chậm lại do thị trường đang trong cú sốc dịch bệnh. Giữa tháng 3.2020, cổ phiếu Facebook cũng rơi vào vòng xoáy bán tháo, rơi xuống 146 USD từ mức giá 223 USD ghi nhận cuối tháng Một.

Facebook Shops đưa doanh nghiệp nhỏ lên thương mại trực tuyến - ảnh 2

Facebook còn đặt tham vọng ở thị trường thanh toán trực tuyến toàn cầu. Ảnh: Will Francis/Unsplash. 

"Mô hình kinh doanh của chúng tôi là bán quảng cáo. Vậy nên thay vì yêu cầu các doanh nghiệp trả tiền cho Facebook Shops, chúng tôi vẫn sẽ kiếm tiền theo phương thức này," Zuckerberg nói.

Facebook Shops cũng không chỉ là giải pháp tình thế để Facebook bù đắp doanh thu quảng cáo suy giảm vì Covid-19. CEO Mark Zuckerberg khẳng định đây chính là trạng thái “bình thường mới” (new normal) của Facebook.

Nền tảng này sẽ tiếp tục làm việc với các nhà bán lẻ quy mô nhỏ, kết nối họ vào mạng lưới bán lẻ lớn. Nếu việc bán hàng thông qua tính năng mới diễn ra trơn tru, Facebook sẽ tích hợp các tùy chọn thanh toán, bao gồm cả việc trả trực tiếp thông qua tài khoản thanh toán tại những khu vực pháp luật chấp thuận, chẳng hạn như châu Âu.

Hồi giữa năm ngoái Facebook cũng từng đặt tham vọng ở mảng tài chính số bằng tiền mã hóa riêng mang tên Libra. Doanh nghiệp này thành lập Hiệp hội Libra và vừa bổ nhiệm cựu giám đốc pháp luật của HSBC Holdings làm CEO vào ngày 19.5 vừa qua. Tuy vậy kể từ khi ra đời, Libra đã vấp phải sự phản đối của nhiều chính phủ trên thế giới vì bản chất gây tranh cãi của loại tài sản số này.

Nếu thực sự triển khai dịch vụ thanh toán thành công, Facebook có thể xóa bỏ sự hiện diện của bên cung cấp dịch vụ tài chính thứ ba trong các giao dịch mua bán trên nền tảng, có thêm nguồn thu mới và cạnh tranh ngang hàng với các ông lớn của lĩnh vực thanh toán toàn cầu như Visa hay Mastercard. “Đây có thể là thứ sẽ thay đổi bức tranh thương mại vĩnh viễn,” Daniel Döderlein, cố vấn Google Cloud kiêm CEO công ty thanh toán trực tuyến Auka nhận định.

PV