Đáng chú ý, dựa trên giả định cơ sở, VNDirect kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ dần dần phục hồi, tương quan với xu hướng phục hồi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Nhờ vậy, các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ, trong đó có du lịch sẽ dần quay trở lại hoạt động bình thường, thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong quý IV/2020 và năm 2021.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng sang năm 2021 trong bối cảnh áp lực lạm phát ở mức thấp. Dù cơ quan quản lý có thể không cắt giảm lãi suất điều hành thêm nhưng khó có thể xảy ra trường hợp nâng lãi suất trở lại trong năm 2021.
Thay vào đó, NHNN có thể hỗ trợ thị trường tiền tệ thông qua thị trường mở, gia tăng dự trữ ngoại hối, nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng hoặc lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tài chính cao hơn.
VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2020 là 9%, năm 2021 sẽ đạt 13% và lãi suất huy động - cho vay sẽ giảm 20-50 điểm phần trăm trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát thấp.
Cùng với đó GDP năm 2020 và 2021 tăng lần lượt 2,8% và 7,1%. Với mức tăng trưởng này, tỷ lệ tín dụng trên GDP được dự báo sẽ tăng lên lần lượt 117% và 124% từ 110% năm 2019.
Do đó, năm 2021, các ngân hàng sẽ có thể thu được phần thu nhập lãi của các khoản cho vay tái cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để cải thiện thu nhập lãi, giúp tỷ lệ NIM của các ngân hàng phục hồi trong năm 2021, dù ở các mức độ khác nhau.
Theo các chuyên gia phân tích, ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội cải thiện NIM với những lợi thế: tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hoặc tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) thấp hơn có thể dẫn đến giảm chi phí vốn...
Bước sang năm 2021 Chính phủ sẽ duy trì tốc độ giải ngân đầu tư công cao. Do đó, các ngân hàng sẽ là những đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế.
Các chuyên gia dự báo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng vọt vào năm 2021 khi NIM cải thiện và tăng trưởng tín dụng cao hơn, VNDirect nâng đánh giá ngành ngân hàng lên "Tích cực".
TH