Cú huých Covid-19 khởi tạo cuộc sống số

00:00 12/10/2020

Khái niệm chuyển đổi số vốn rất mơ hồ với một số người dân, doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam đã trở nên rõ ràng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Covid-19 được cho là đã tạo cú hích cho tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra nhanh và đồng bộ hơn theo hướng hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế.

Dịch Covid-19 được xem là một yếu tố thúc đẩy người tiêu dùng, doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số. Trong ảnh là chuyên gia VNPT đang giới thiệu ứng dụng giảng dạy trực tuyến trên nền tảng đám mây. Ảnh: DNCC

Dịch Covid-19 đã “buộc” người dân, doanh nghiệp, tổ chức, Chính phủ phải sử dụng các công cụ số để duy trì công việc, cuộc sống... qua đó phần nào thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi số. Dễ thấy và gần gũi nhất với mọi người là việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục cũng như trong hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19. Học sinh được triển khai học qua mạng, các doanh nghiệp tổ chức làm việc, họp qua mạng... thông qua các phần mềm học, họp trực tuyến miễn phí và có thu phí.

Nhu cầu từ thực tế

Dữ liệu thống kê của Grab Việt Nam tại thời điểm giữa tháng 10-2019 (trước dịch Covid-19) và khoảng giữa tháng 4 vừa qua (trong dịch Covid-19) cho thấy, các biện pháp kiểm soát dịch trên quy mô lớn, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển, tạm ngừng các dịch vụ không thiết yếu… đã trở thành “chất xúc tác" giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Các cơ sở dịch vụ đã chuyển từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh qua mạng để duy trì hoạt động kinh doanh. Người dân cũng chuyển sang môi trường qua mạng để mua sắm những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống thường nhật. Chính phủ cũng khuyến khích đẩy mạnh việc mua sắm trực tuyến, khích lệ hoạt động thương mại điện tử trong các đô thị lớn để góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

GrabMart là dịch vụ đi siêu thị hộ được Grab triển khai tại TPHCM từ ngày 23-3-2020 và được mở rộng ra Hà Nội chỉ 14 ngày sau đó. Với dịch vụ này người dùng chỉ cần mở ứng dụng Grab, chọn các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị… đang có trên GrabMart và chọn mua thực phẩm. Sau đó, đơn hàng sẽ tài xế Grab đến lấy và giao cho người mua trong vòng 1 giờ.

Grab cho biết số lượng đơn hàng GrabMart đã tăng đến 91% chỉ sau một tuần triển khai. Dữ liệu trên hệ thống Grab ghi nhận ngày 31-3 là ngày đạt số lượng đơn hàng GrabMart cao kỷ lục, ngay trước thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội.

Grab cho biết xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh trong mùa dịch cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của thanh toán không tiền mặt, góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng trở thành yếu tố quan trọng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, khi nhiều người chọn các phương thức thanh toán trực tuyến để đảm bảo giao dịch an toàn trong mùa dịch.

Đã có một bộ phận người dân lần đầu tiên tiếp cận với các phương thức thanh toán trực tuyến. Theo dữ liệu của ví điện tử Moca, đối tác chiến lược của Grab (Grab tích hợp Moca trên phần mềm để thanh toán trực tuyến), số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 3-2020 đã tăng 22,5% so với tháng trước đó. Còn trên tổng thể hệ sinh thái Grab, trong dịch Covid-19, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm 43%, riêng với dịch vụ GrabMart lên đến 70%.

Cơ hội tạo sự bứt phá 

Tại buổi giao ban công tác quản lý bốn tháng đầu năm nay mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng Việt Nam kiểm soát được dịch sớm trong khi thế giới vẫn đang ở đỉnh dịch. Đây là cơ hội để nước ta bứt phá vươn lên thông qua chuyển đổi số. Trong dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể phát triển các ứng dụng công nghệ để phòng, chống và đưa cuộc sống chuyển sang trạng thái bình thường mới do các doanh nghiệp làm chủ được về công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng bên cạnh những thách thức, Covid-19 cũng mang tới cơ hội và là cú hích cho Việt Nam chuyển đổi số trong nhiều ngành, lĩnh vực. Nhờ Covid-19, tại Việt Nam xuất hiện các nền tảng học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa... Mảng thiết bị y tế là thị trường rất lớn và phần nhiều dựa trên công nghệ điện tử. Covid-19 là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ có thể chuyển sang nghiên cứu và sản xuất các thiết bị phục vụ ngành y tế.

Hình thức tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông trực tuyến của FPT vào tháng 4 vừa qua được giới công nghệ cho rằng sẽ trở thành xu hướng sắp tới cho các công ty, doanh nghiệp trong yêu cầu về phòng chống sự lây lan của Covid-19. Ảnh: DNCC

Cùng chung quan điểm nêu trên, tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp diễn ra mới đây, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch tập đoàn CMC, đã đại diện cho các doanh nghiệp ngành công nghệ phát biểu góp ý chính sách phục hồi kinh tế.

Ông Chính thừa nhận dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Song đại dịch này lại tạo ra một cú hích để chúng ta khởi tạo cuộc sống số. Nếu ngành công nghệ Việt Nam biết tận dụng thế mạnh sẽ biến thách thức từ đại dịch Covid-19 thành cơ hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sẽ giúp xã hội thoát khỏi khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đây là thời cơ vàng cho ngành công nghệ phát triển sâu rộng, tận dụng công nghệ số để tạo ra sự đột phá cho kinh tế số nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Ông Chính nói: “Thủ tướng, Chính phủ cần đầu tư mạnh về chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số. Bởi ông cho biết theo các chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học - Công nghiệp khối Thịnh vượng chung (CSIRO), chuyển đổi số sẽ đem lại 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm, giúp Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng do ảnh hưởng của dịch Covid”.

Ngoài ra, ông Chính cho rằng Chính phủ cần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng số quốc gia. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, kinh tế số chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội. Để làm được việc đó, Chính phủ và các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần phối hợp xây dựng hạ tầng số mạnh mẽ cho quốc gia, gồm hạ tầng 5G, kết nối, lưu trữ dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia...

Thêm nữa chủ tịch CMC cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công, ưu tiên đầu tư công trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên tinh thần là giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm. Chính phủ cần đóng vai trò tạo chính sách kích cầu thông qua việc Chính phủ đặt hàng các sản phẩm, dịch vụ công nghê thông tin cho doanh nghiệp. Chính phủ cần miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động này.

Vân Ly