EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc COVID-19

00:00 12/10/2020

Sáng ngày 29/6, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện đẩy mạnh tuyên truyền và khai thác lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị với chủ đề “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc COVID-19” để tổng hợp các ý kiến, nguyện vọng, giải pháp của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng trong việc thực thi các Hiệp định

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, chỉ một thời gian ngắn nữa, ngày 1/8/2020 tới đây, Hiệp định EVFTA sẽ đi vào thực thi. Với những cam kết sâu rộng, Hiệp định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, từ đó góp phần vào công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước. Đây không phải là hội nghị đầu tiên mà Bộ Công Thương tổ chức liên quan đến EVFTA, năm 2020 cũng ko phải là năm đầu tiên chúng ta mới bàn đến tiềm năng của Hiệp định này...

Ông Khánh nhìn nhận, có thể nói, sự quan tâm của các doanh nghiệp rất ít, bởi vì trong số doanh nghiệp Việt Nam có hơn 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, số còn lại là hoạt động trong những lĩnh vực nội địa như xây dựng, sản xuất..

Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đang hoạt động theo kiểu ngồi ở nhà bán hàng chờ khách hàng đến mua, chẳng cần biết ông đấy là ai. Còn nhập khẩu thì hoạt động theo kiểu ngồi ở nhà chờ hàng về để nhận nên không quan tâm đến thuế bên ngoài, chỉ những người trực tiếp trả thuế khi đi hàng với EU mới quan tâm và nhạn thức được tầm quan trọng của Hiệp định này như thế nào.

Tại Hội nghị này, với chủ đề “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19”, hy vọng rằng Hội nghị này sẽ đem lại nhiều thông tin và kiến thức hữu ích cho các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý về những nội dung quan trọng nhất của Hiệp định, thông tin về tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại và định hướng triển khai Hiệp định từ phía Chính phủ.

Để hiện thực hóa các cơ hội do Hiệp định EVFTA mang lại, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải làm,

Về phía Chính phủ, các Bộ ngành, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác trao đổi, đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động hơn nữa trong tìm hiểu nội dung Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, điều kiện cần thiết để đáp ứng yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.

“Muốn có vụ mùa bội thu phải dậy từ sớm để đi ra đồng, người dậy lúc 9-10 giờ sẽ không thể có được vụ mùa bội thu”, Thứ trưởng ví von, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chủ động nắm bắt cơ hội từ phía doanh nghiệp.

Phiên thảo luận tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được vai trò của hiệp định EVFTA trong phát triển kinh tế, từ đó tìm kiếm những giải pháp, vạch ra được chiến lược. Thậm chí là những bí quyết để nắm vững thời cơ, biến cơ hội từ việc thực thi Hiệp định EVFTA thành đòn bẩy để chúng ta vượt lên trên thách thức và sẵn sàng tỏa sáng trong mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực mà các bạn đã và đang lựa chọn.

"Đừng để người nước ngoài lấy hết quyền lợi của chúng ta", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế Trần Quốc Khánh, và sự tham gia, thảo luận của các cán bộ trực tiếp đàm phán và quản lý các lĩnh vực có liên quan của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, Hội nghị đã giúp giới doanh nghiệp có thêm các thông tin hữu ích về các cam kết liên quan đến thuế quan của Hiệp định EVFTA, cũng như tình hình chuẩn bị của Chính phủ nói chung và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nói riêng trong việc thực thi Hiệp định một cách đầy đủ và hiệu quả.

Phiên thảo luận tại Hội nghị đã diễn ra sôi nổi và hiệu quả với sự tham gia của Lãnh đạo các hiệp hội VINASME, VASEP và Lefaso, đại diện một số Vụ, Cục, Tổng cục của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Tại đây, các đại biểu đã thảo luận, trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp về định hướng giải pháp tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức của Hiệp định EVFTA, trong đó tập trung vào 05 nhóm giải pháp gồm: thuế quan; hải quan; xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường EU; công tác tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA; và các biện pháp khác nằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hậu COVID-19.

 Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính): 

Tương tự như các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực hiện trước đây, Bộ Tài chính cũng chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạc với nội dung do Bộ Tài chính phụ trách. Về cơ bản, Bộ Tài chính thống nhất với Kế hoạch thực hiện của Chính phủ về mục tiêu và xác định nhiệm vụ chủ yếu về tuyên truyền, phổ biến thông tin, xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso):

Chúng tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, bù đắp của thị trường châu Âu sẽ giúp cho ngành tăng trưởng trở lại và duy trì mức tăng trưởng 10% cho những tháng cuối năm. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận rõ với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, thì EVFTA là cơ hội lớn nhưng tiềm lực và nội lực của các doanh nghiệp hiện nay cần phải cải thiện thì mới tiếp cận được thị trường xuất khẩu có cam kết rất sâu rộng cũng như điều kiện gia nhập thị trường cao như châu Âu.

Về lâu dài, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ vì với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính không đủ để tự chủ trong sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Chính vì vậy chiến lược và khu công nghiệp phục vụ nguyên phụ liệu cho sản xuất là cần thiết. Đồng thời, doanh nghiệp cần tham gia chuỗi liên kết trong và ngoài nước, liên kết chặt chẽ hơn với nguồn cung trong và ngoài nước để có được những ứng phó kịp thời với biến động xảy ra.

Bà Lê Thị Nụ, Công ty Cổ phần Đầu Tư Wood Alliance: 

Đối với doanh nghiệp đồ gỗ, khó khăn nhất là vấn đề giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa - C/O. C/O là khó khăn nhất của doanh nghiệp khi xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Trung đông, Châu phi… doanh nghiệp đều phải làm CO thông qua VCCI và Bộ Công Thương, C/O qua Bộ Công Thương mất 2 - 3 ngày nhưng với hồ sơ nộp qua VCCI phải mất 2,5 tháng mới lấy được. Có những lô hàng chúng tôi lỗ toàn bộ vì không lấy được C/O. Hiện tại doanh nghiệp chúng tôi đang xúc tiến xuất khẩu sang châu Âu, chúng tôi nghiên cứu rất nhiều về EVFTA nhưng thấy khó khăn nhất vẫn là xuất xứ C/O.

Giang Trinh