Chú trọng cải tiến công nghệ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

00:00 12/10/2020

Việc chú trọng ứng dụng, cải tiến công nghệ sản xuất tạo điều kiện cho doanh nghiệp khẳng định giá trị thương hiệu và phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến được chú trọng

Theo các chuyên gia kinh tế, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải ứng dụng, cải tiến, đổi mới công nghệ, coi công nghệ là công cụ chiến lược bảo đảm phát triển doanh nghiệp một cách nhanh chóng và bền vững.

Viện trưởng Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, với xu thế kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, nâng cao năng suất là yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế và tăng trưởng. Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất.

Đặc biệt, từ năm 2010, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về hoạt động năng suất, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 (Chương trình 712). Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy năng suất đã được triển khai sâu rộng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp... Viện Năng suất Việt Nam đã triển khai các chương trình nâng cao nhận thức về năng suất thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng tài liệu phổ biến, hướng dẫn áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất; đào tạo chuyên gia thực hành cho các doanh nghiệp; nghiên cứu, tính toán các chỉ số năng suất, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm và chuyển giao cách thức áp dụng cải tiến năng suất,...

Điều này thể hiện qua việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp chủ động tìm kiếm và thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ KH&CN, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp khi triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo các công cụ “truyền thống” như: Lean/Kaizen; 5S, ISO,... đã có thể cải thiện năng suất tăng từ 15-20% . “Điều quan trọng hơn cả là nhận thức về sự cần thiết cải tiến năng suất cho chính doanh nghiệp của người lãnh đạo, từ đó thúc đẩy sự tham gia của từng cá nhân, tập thể cán bộ công nhân viên của chính doanh nghiệp đó”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Nền tảng cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Là một trong những đơn vị sản xuất phân bón lớn nhất cả nước, thương hiệu “ba nhành cọ xanh” của Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân. Công ty luôn duy trì chất lượng ổn định, bền vững nhờ sản xuất phân bón dựa trên các cơ sở khoa học, đồng thời không ngừng cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Ông Phạm Quang Tuyến - Tổng giám đốc Công ty cho biết: nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị, sản lượng hàng hóa, thời gian qua, công ty đã không ngừng cải tiến công nghệ thiết bị để sản xuất các loại phân bón có chất lượng cao, có thể xuất khẩu, nhất là ở thị trường khó tính.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến: Nền tảng cho doanh nghiệp phát triển bền vững

 Yến sào Khánh Hòa chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất

Hay tại công ty Cổ phần Nước giải khát (CP NGK) Yến sào Khánh Hòa, qua nhiều năm hoạt động, công ty đã sản xuất ổn định và cung cấp cho thị trường 10 loại nước Yến sào Khánh Hòa cao cấp và đã có mặt ở tất cả các kênh phân phối trên toàn quốc thành từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Doanh thu liên tục tăng trưởng trong các năm qua, góp phần vào sự phát triển của Công ty Yến sào Khánh Hòa.

Để đạt được những thành quả đó, công ty chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất. Thường xuyên hiện đại hóa máy móc thiết bị nâng cao sản lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm. Trong sản xuất, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đúc kết từ kinh nghiệm đưa vào áp dụng thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao hiệu suất thiết bị và năng suất lao động.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Vân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cho biết: Công ty chủ động đầu tư trang thiết bị hệ thống máy móc, mở rộng và đẩy mạnh sản xuất tăng nhanh giá trị công nghiệp với nhiều dòng sản phẩm yến sào chất lượng cao, đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; khẳng định vị thế thương hiệu Yến sào Khánh Hòa là một trong những thương hiệu mạnh trên thế giới.

Bên cạnh đó, công ty chú trọng công tác nghiên cứu cải tiến máy móc thiết bị, thay đổi công nghệ hợp lý và thật hiệu quả; khuyến khích phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ kỹ thuật nhằm nâng cao công suất và luôn luôn ổn định, chủ động trong sản xuất.

Là đơn vị sử dụng nhiều khá nhiều lao động, công việc khai thác nặng nhọc, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) chia sẻ, TKV đã nghiên cứu và có nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng, giảm sức lao động công nhân, tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản xuất than. Theo đó, TKV chú trọng nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển công nghệ than sạch để từ đó làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

TKV đã đề ra định hướng nghiên cứu khoa học tập trung vào 6 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm là cơ giới hóa và hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản; thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện; phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu than - khoáng sản; nghiên cứu về an toàn, môi trường, điều kiện tự nhiên, vật liệu và hóa chất; tin học hóa, tự động hóa sản xuất; phát triển và tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực quản lý và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của Tập đoàn.

Hòa Lê