Chúc mừng đồng chí Đỗ Đức Duy ngay tại Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái Tạ Văn Long bày tỏ vui mừng khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái được các đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với tỷ lệ cao (426/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 88,57% tổng số đại biểu Quốc hội của nhiệm kỳ).
Thay mặt Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tạ Văn Long mong rằng, đồng chí Đỗ Đức Duy tiếp tục phát huy năng lực, sở trường và kinh nghiệm trong quá trình công tác tại Yên Bái để hoàn thành tốt nhiệm vụ với trọng trách mới, đóng góp to lớn hơn nữa cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Được biết, ngày 26/8, Quốc hội khóa XV đã tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ 8 để xem xét quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong chương trình làm việc buổi chiều ngày 26/8, Quốc hội khóa XV tiến hành phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2021-2026.
Với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với đồng chí Đỗ Đức Duy.
Cũng ngay trong chiều 26/8, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì Lễ công bố và trao các quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng với các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Hồ Đức Phớc và Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với đồng chí Đỗ Đức Duy; Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với đồng chí Nguyễn Hải Ninh, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy sinh ngày 20/5/1970; quê quán: xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đồng chí có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Xây dựng. Đồng chí Đỗ Đức Duy hiện là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái.
Quá trình công tác, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy từng là giảng viên Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Sau đó, đồng chí làm chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ, rồi lần lượt kinh qua các chức vụ: Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng. Đồng chí giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng vào năm 2015. Đến năm 2017, đồng chí giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái. Từ tháng 9/2020 đến nay, đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái.
Trong quá trình giữ các trọng trách tại Yên Bái, đồng chí Đỗ Đức Duy luôn thể hiện sự đổi mới, sáng tạo và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, trong đó có những nỗ lực trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai; hoạt động phòng chống đại dịch COVID-19, giữ Yên Bái trở thành vùng xanh lâu nhất cả nước.
Năm 2020, nhiều người cảm thấy bất ngờ, thậm chí nghi ngại khi Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội, đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của tỉnh. Khái niệm "hạnh phúc” khá trừu tượng, khó “lượng hóa”, Bí thư Đỗ Đức Duy nêu rõ quan điểm: “Không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện” và đưa ra những kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chỉ số. Hạnh phúc của nhân dân từng bước được hiện thực hóa với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, phù hợp và xuyên suốt. Những tiêu chí về một xã hội hạnh phúc mà ở đó người dân hài lòng với chất lượng cuộc sống, môi trường, nền hành chính,... được đặt lên hàng đầu.
Ở những nhiệm kỳ trước, tỉnh Yên Bái thường đặt nặng các mục tiêu phát triển công nghiệp, khoáng sản, thủy điện,... Ngày nay, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đã định vị và lựa chọn triết lý phát triển tỉnh Yên Bái theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc", trong đó: Xanh màu xanh của rừng; hài hòa giữa vùng thấp và vùng cao, giữa thành thị và nông thôn, giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường; gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao chất lượng sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân là giá trị cốt lõi. Đến hết năm 2023, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 65,62%, tăng 12,32% so với đầu nhiệm kỳ (năm 2020 là 53,3%), vượt mục tiêu Nghị quyết (bình quân mỗi năm tăng 3%).
Đặc biệt việc Chuyển đổi số ở Yên Bái được coi là sự kiên trì, từng bước thay đổi từ nhận thức đến hành động. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy luôn có niềm tin dù là tỉnh miền núi khó khăn nhưng Yên Bái vẫn hoàn thành vượt mục tiêu về chuyển đổi số quốc gia. Bí thư đã chỉ đạo triển khai chuyển đổi số một cách bài bản, khoa học và hiệu quả, trong đó nổi bật là việc chọn cách làm mới mang đặc trưng riêng, lựa chọn việc dễ làm trước, việc khó làm sau; làm song song từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, luôn nhất quán theo phương châm “Chuyển đổi số phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, song Bí thư xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển chung, coi chuyển đổi số là giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian, cơ hội phát triển để đưa một tỉnh còn nghèo như Yên Bái dù “đi sau”, nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao độ của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là của Bí thư Tỉnh ủy trong công tác chuyển đổi số. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để chuyển đổi số toàn diện theo phương châm “từ dễ đến khó”, từng bước đưa công nghệ số trở thành “thói quen” thường ngày của mỗi tổ chức và cá nhân. Sự quyết tâm trong hành trình chuyển đổi số còn được thể hiện trong việc thành lập Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Yên Bái. Trung tâm đã phát huy vai trò là đơn vị nòng cốt; tư vấn, đào tạo kỹ năng số, triển khai nhiều giải pháp công nghệ số hiệu quả, kịp thời chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị và địa phương.
Với những cách làm và những bước triển khai phù hợp, chuyển đổi số ở Yên Bái đã và đang trở thành “phong trào” thi đua sâu rộng, vừa có tính toàn dân và vừa toàn diện trên các lĩnh vực; là một “làn sóng” lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Chuyển đổi số đã đạt được những kết quả khá tích cực, đáng khích lệ trên cả các mặt chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Trong đó, việc xây dựng mô hình chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số tiếp tục được tập trung chỉ đạo theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và mục tiêu phục vụ. Kinh tế số bước đầu được hình thành và ngày càng phát triển.
PV (T/h)