Vingroup sẽ góp thêm vốn vào công ty chủ quản của hãng Xanh SM

11:00 02/04/2024

Vingroup sẽ góp thêm vốn vào công ty GSM với tỷ lệ sở hữu không vượt quá 5% vốn điều lệ công ty GSM tại từng thời điểm góp vốn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

HĐQT Tập đoàn Vingroup đã công bố nghị quyết phê duyệt kế hoạch góp thêm vốn vào CTCP Di chuyển xanh và Thông minh GSM trong năm 2024. Vingroup sẽ góp thêm vốn vào Công ty GSM với tỷ lệ sở hữu không vượt quá 5% vốn điều lệ công ty GSM tại từng thời điểm góp vốn.

HĐQT giao cho Tổng Giám đốc quyết định việc góp vốn trong phạm vi vốn góp thêm được phê duyệt và thực hiện các công việc liên quan đến việc góp vốn này trong năm nay.

Còn nhớ, hơn một năm trước, vào đầu tháng 3/2023, tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã công bố quyết định thành lập GSM - doanh nghiệp hoạt động trong hai mảng chính là cho thuê ô tô - xe máy điện và taxi điện. GSM được biết tới là mô hình dịch vụ vận tải phức hợp xanh lần đầu tiên được triển khai trên thế giới nhằm phổ cập trải nghiệm di chuyển điện hóa, qua đó thúc đẩy lối sống xanh bền vững cho cộng đồng.

Thời điểm thành lập, hãng dịch vụ vận tải này có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng góp 2.850 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu 95%. Bà Phạm Thu Hương - vợ ông Vượng góp 90 tỷ đồng, tương sở hữu 3%, còn Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam vợ chồng ông Vượng góp 60 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 2%.

Chưa đầy một năm tuổi, GSM đã trải qua 2 lần tăng vốn “khủng”. Ngày 27/12/2023, doanh nghiệp nâng vốn điều lệ lên mức 6.199 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần số vốn điều lệ ban đầu. Gần một tháng sau, vốn điều lệ tăng thêm 1,6 lần, ghi nhận ở mức 9.666 tỷ đồng. So với thời điểm mới thành lập, quy mô vốn điều lệ của GSM đã mở rộng tới 3,2 lần.

Ước tính Vingroup sẽ góp thêm vốn vào Công ty GSM với giá trị không quá 483 tỷ. Hiện ông Phan Thành Long là Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện pháp luật của GSM.

Tại Việt Nam, kể từ khi chính thức đi vào hoạt động tháng 4/2023, đến đầu tháng 3 năm nay, GSM đã có hơn 40 triệu lượt hành khách, với hơn 200 triệu km di chuyển.

Tháng 11 năm ngoái, GSM đã mở rộng ra thị trường nước ngoài đầu tiên là Lào. Theo kế hoạch, Indonesia, Philippines sẽ là các thị trường tiếp theo trong chiến lược mở rộng 9 thị trường quốc tế của hãng đến năm 2025.

Mới đây, theo báo cáo của Mordor Intelligence về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam 2023 cho thấy, GSM hiện đã chiếm 18,17% thị phần, đứng thứ hai toàn ngành, đứng sau Grab. Theo đó, thị phần của GSM gấp đôi Be Group ở vị trí thứ 3 (9,21%), gấp hơn 3 lần so với Gojek ở vị trí thứ 4 (5,87%). Đây là một tín hiệu cho thấy tiềm năng của mảng kinh doanh này của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Tính đến hết năm 2023, GSM sở hữu lượng nhân sự lên tới 30.000 người, trong đó hơn 14.000 người là tài xế taxi. Dự kiến, đội xe sẽ chạm mốc 30.000 ô tô điện và 60.000 xe máy điện trong một vài tháng tới.

Đức Anh (T/h)

Tags: