Công ty CP VNG (Vinagame) có nửa đầu năm đạt kết quả không mấy tích cực. Trong khi doanh thu gần như đi ngang, các khoản chi phí bật tăng khiến doanh nghiệp lỗ ròng tới 258 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 310 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất quý II/2022, Vinagame đạt doanh thu hơn II nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng 14% (lên hơn 1,11 nghìn tỷ đồng) kéo lãi gộp Công ty giảm xuống còn gần 885 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 16%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm 39%, còn 44,3 tỷ đồng. Các chi phí đều tăng, bao gồm chi phí tài chính (tăng 29%, lên 7,5 tỷ đồng), chi phí bán hàng (tăng 38%, lên 746 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng 41%, lên 354 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Công ty ghi nhận thêm khoản lỗ trong công ty liên doanh, liên kết, tăng từ 6,1 tỷ đồng lên 47,3 tỷ đồng, và lỗ khác 6,2 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 8,7 tỷ đồng). Các hạng mục chi phí tăng mạnh khiến Công ty lỗ ròng 258 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 312 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Vinagame đạt gần 3,67 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và lỗ ròng gần 274 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ 2022, Vinagame đặt mục tiêu gần 10,2 nghìn tỷ đồng doanh thu và lỗ ròng 311 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã thực hiện 36% kế hoạch doanh thu, nhưng lỗ gần đạt mức đặt ra theo kế hoạch chỉ trong 6 tháng.
Theo BCTC riêng, tới cuối quý II/2022, Vinagame ghi nhận giá trị đầu tư vào Công ty CP Zion - đơn vị sở hữu ZaloPay - hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 680 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ sở hữu tăng từ 60% lên 65.57%. Đồng thời, Công ty tăng trích lập dự phòng thêm hơn 500 tỷ đồng cho khoản đầu tư dài hạn này.
Công ty còn có khoản đầu tư hơn 510 tỷ đồng vào Tiki Global. Khoản đầu tư rót vốn vào Tiki bắt đầu từ ngày 02/02/2016 với tỷ lệ sở hữu 38%. Tuy nhiên, ở thời điểm cuối tháng 6/2022, khoản đầu tư này lỗ lũy kế hơn 510 tỷ đồng, trong khi Vinagame chỉ còn sở hữu 15,2% cổ phần tại đây.
P.V