![]() |
Doanh nhân Nhan Húc Quân – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo |
Tại buổi tọa đàm “Cuốn sách đầu tay, hành trình ai cũng có thể bắt đầu”, nữ doanh nhân Nhan Húc Quân – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo – đã có những chia sẻ chân thành và sâu sắc về hành trình bén duyên với việc viết sách. Với bà, việc cầm bút không xuất phát từ chiến lược tiếp thị hay mục tiêu thương mại, mà bắt đầu từ những điều rất riêng tư và bình dị – một lời khích lệ từ người thân, cùng khát khao muốn ghi lại những trải nghiệm quý báu tích lũy qua hơn hai thập kỷ làm doanh nghiệp.
Viết để sẻ chia, không phải để bán
“Không phải tôi viết sách để nhắm đến số lượng bán ra,” bà Quân mở lời bằng một cách thẳng thắn. “Tôi viết vì trong tôi có điều cần được kể. Có những trải nghiệm, có những bài học, có cả những lúc vấp ngã mà tôi muốn giữ lại – cho chính mình, và cho những ai có thể tìm thấy mình trong đó.”
Hơn 20 năm lăn lộn trong ngành sản xuất bao bì – một lĩnh vực vốn bị xem là “khô cứng” – bà đã trải qua nhiều biến cố, đối mặt với không ít thách thức và đưa ra những quyết định quan trọng trong bối cảnh không dễ dàng. Tất cả những tình huống đó không chỉ tôi luyện bản lĩnh mà còn hình thành nên những giá trị sống, những cách nhìn và phương pháp hành xử – điều mà bà mong muốn truyền lại thông qua từng trang sách.
Trước khi chính thức xuất bản sách, bà Quân đã duy trì thói quen viết lách thông qua một tờ bản tin doanh nghiệp – công cụ giao tiếp hiệu quả giữa ban lãnh đạo và đội ngũ nhân viên. Những bài viết trong bản tin không chỉ đơn thuần là thông tin nội bộ mà còn truyền tải tinh thần, quan điểm và văn hóa doanh nghiệp. Chính nhờ nền tảng đó, việc viết sách đến với bà như một sự tiếp nối tự nhiên.
“Một ngày nọ, người chị họ của tôi biết rằng tôi vẫn hay viết bài cho nội bộ công ty và đã khuyên tôi thử viết sách. Câu nói ấy như một cái chạm nhẹ nhưng đủ để lay động, khiến tôi tự hỏi: tại sao mình không bắt đầu?”, bà kể lại với ánh mắt sáng ngời.
Bà không đi tìm sự cầu kỳ, cũng chẳng cố tạo dựng dấu ấn cá nhân bằng những tuyên ngôn hào nhoáng. Tất cả xuất phát từ một mong muốn giản dị: truyền cảm hứng tích cực đến những người xung quanh – từ nhân viên trong công ty đến cộng đồng rộng lớn hơn, đặc biệt là những người trẻ đang kiếm tìm hướng đi cho chính mình.
“Phép màu” và hành trình khám phá nội lực
Từ tâm thế đó, bà Nhan Húc Quân đã cho ra đời hai cuốn sách: Phép màu để trở thành chính mình và Phép màu để vượt lên chính mình. Cả hai đều được bạn đọc đón nhận với sự đồng cảm và trân trọng, bởi nội dung không hề lên gân, mà gần gũi, thực tế, và đầy cảm hứng.
Tựa đề “phép màu” không mang hàm ý siêu hình hay thần thoại, mà là cách bà gọi tên sức mạnh bên trong mỗi con người – thứ năng lượng đặc biệt chỉ được đánh thức khi ta đủ dũng cảm để đối diện với bản thân, vượt qua nỗi sợ và dấn thân vào hành trình thay đổi.
Bà tin rằng, chính những điều tưởng chừng đơn giản nhưng khó làm ấy – kiên định với giá trị nội tại, dám bước ra khỏi vùng an toàn – mới là cốt lõi tạo nên sự trưởng thành bền vững của một người làm kinh doanh.
Khích lệ thế hệ kế cận: ai cũng có thể bắt đầu
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Quân gửi lời nhắn đến những người trẻ đang nung nấu khởi nghiệp hay đơn giản là đang muốn viết nên một hành trình có ý nghĩa cho riêng mình:
“Bắt đầu không đòi hỏi bạn phải có vốn lớn hay tài năng xuất chúng. Quan trọng là bạn có dám bắt đầu từ một việc nhỏ – từ một câu chữ, một hành động, một lựa chọn đúng với giá trị mình tin tưởng hay không.”
Với bà, cuốn sách đầu tay không chỉ là kết quả cá nhân, mà còn là minh chứng cho việc ai cũng có thể bắt đầu, miễn là bắt đầu bằng sự chân thành và khát vọng lan tỏa điều tích cực.
![]() |
Viết từ tâm – Hành trình khởi đầu của một doanh nhân bằng cuốn sách đầu tay - Doanh nhân Nhan Húc Quân chia sẻ với độc giả về động lực viết sách của mình. ẢNh TTO |
Góp tiếng nói Việt vào dòng chảy tri thức toàn cầu
Bên cạnh việc viết để chia sẻ, nữ doanh nhân còn mang theo một hoài bão lớn hơn: tạo chỗ đứng cho sách doanh nhân Việt trong dòng sách kinh doanh thế giới.
“Tại sao sách của các doanh nhân nước ngoài lại phổ biến, còn tác phẩm của doanh nhân Việt thì quá hiếm hoi?” – câu hỏi ấy luôn thôi thúc bà tìm lời đáp. Bà cho rằng, những câu chuyện khởi nghiệp của người Việt không thiếu phần sâu sắc, và nếu được kể bằng chính văn phong Việt, thì sức lan tỏa và khả năng chạm tới độc giả còn mạnh mẽ hơn nữa.
“Chúng ta cũng có trải nghiệm, cũng có bài học, và có cách kể chuyện rất riêng. Nếu mình không bắt đầu, thì ai sẽ làm điều đó?”, bà bộc bạch.
Không dừng lại ở việc xuất bản, nữ doanh nhân còn tiếp tục đưa tri thức lan tỏa bằng hành động cụ thể. Tác phẩm thứ ba của bà – 168 câu nói truyền cảm hứng – không chỉ là cuốn sách, mà còn là một phần của chiến dịch hướng về cộng đồng.
Bà quyết định trích 600 triệu đồng từ ngân sách để thực hiện các chương trình thiện nguyện, thay vì dùng vào các hoạt động thương mại. Từ việc hỗ trợ siêu thị 0 đồng cho người khó khăn, trao học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, đến đồng hành với các viện dưỡng lão – mỗi hành động đều là minh chứng cho triết lý sống: viết để gieo hạt lành.
Với bà Nhan Húc Quân, sách không chỉ là nơi lưu giữ tư tưởng, mà còn là một kênh đầu tư lâu dài vào giá trị con người. Hành trình viết sách, theo bà, là sự mở rộng của triết lý quản trị: phát triển con người là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi thước đo của một doanh nhân không chỉ còn là lợi nhuận, mà là ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, bà chọn viết sách như một cách “lãnh đạo bằng tri thức” – lặng lẽ nhưng sâu sắc, không phô trương nhưng lan tỏa.