Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, đặc biệt là Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về việc làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, nhằm xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên hợp tác xây dựng các công trình lớn và thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là hợp tác kết nối đường sắt, đường bộ, cửa khẩu trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với “Vành đai và con đường”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại nông sản đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác địa phương như một động lực tăng trưởng mới, nghiên cứu xây dựng thí điểm các khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở rộng hợp tác kinh tế cửa khẩu và xây dựng cửa khẩu thông minh. Ngoài ra, ông cũng đề nghị các địa phương hai bên chủ động kết nối các chiến lược phát triển vùng miền và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, phát huy tính bổ trợ và ưu thế địa lý gần gũi giữa hai nền kinh tế. Ông cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa chất lượng cao từ Việt Nam và khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Trung Quốc đối với doanh nghiệp Trung Quốc trong việc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và ngành nghề mới nổi.
Theo Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 01 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.
Vũ Quý