Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ra chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo DĐDN đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Quang Trung, Cố vấn Cao cấp của OPENWAY Việt Nam.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mức độ triển khai chữ ký số ở Việt Nam?
Hiện nay chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số đã trở thành một dịch vụ công nghệ thông tin quan trọng, ngày càng phổ biến, góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Chữ ký số được xác định là giải pháp quan trọng để đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu, tính xác thực và tính chống chối bỏ trong các giao dịch điện tử.
Đặc biệt, các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số mang tính pháp lý, được pháp luật bảo hộ, phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng như các hoạt động phát triển thương mại điện tử. Việt Nam hiện có 8 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực chữ ký số.
Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam được cung cấp bởi một số các doanh nghiệp trong ngành CNTT như Công ty cổ phần Bkav, Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, và CMC. Hiện nay việc sử dụng chữ ký số tại các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu nằm ở các khu vực tài chính công.
Theo ông thực trạng triển khai và quản lý chữ ký số hiện nay có khó khăn nào?
Chữ ký số của đối tượng được cấp chứng thư số theo quy định trên chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch theo đúng thẩm quyền của cơ quan, tổ chức và chức danh được cấp chứng thư số.
Về giá trị pháp lý của chữ ký số, Nghị định quy định, trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định.
Tuy nhiên thực trạng cho thấy rằng việc triển khai chữ ký số ở Việt Nam chưa được phát triển và kỳ thực các doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng cho việc chuyển đổi sang chữ ký số vì nhiều yếu tố chủ quan cũng như khách quan.
Điểm khó khăn nhất trong việc đẩy mạnh chuyển đổi sang sử dụng chữ ký số của doanh nghiệp là đó là sự hiểu biết về công nghệ và niềm tin vào sự an toàn khi sử dụng dịch vụ này trên mạng. Cho dù theo thông kê của tổng cục thuế thì gần như 100% các doanh nghiệp khi kê khai thuế trên mạng đều sử dụng dịch vụ chữ ký số này.
Chữ ký số được xem là biện pháp bảo mật tốt nhất hiện nay cho cả doanh nghiệp và cá nhân, giúp tiết kiệm chi phí. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc triển khai chữ ký số và cách thức quản lý của họ hiện nay?
Trên thế giới việc triển khai chữ ký số được làm một cách bài bản hơn vì hạ tầng CNTT của họ được triển khai khá đồng bộ, việc ứng dụng công nghệ thông tin hóa vào trong các doanh nghiệp nước ngoài được coi là lựa chọn tiên quyết trong việc dịch chuyển số nên kỳ thực các doanh nghiệp nước ngoài họ ưu tiên thúc đẩy sử dụng công nghệ trong việc đẩy nhanh sự phát triển của doanh nghiệp.
Trên thế giới chữ ký số được triển khai tốt hơn vì cá nhân và doanh nghiệp họ được cung cấp thông tin tốt hơn và đầy đủ hơn, đây cũng là một điểm vô cùng quan trọng khi doanh nghiệp ra quyết định chuyển đổi sang sử dụng chữ ký số.
Xin cảm ơn ông!