Ngày 21/6, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm vụ án Tranh chấp chia tài sản chung là quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Đình Uy và bị đơn là ông Nguyễn Đình Chín đối với tài sản tranh chấp là quyền sử dụng đất tại thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
Nội dung bản án
Bố mẹ ông Nguyễn Đình Uy là cụ Nguyễn Đình Tường và cụ Lê Thị Bèn (hai cụ đã mất) sinh được 9 người con là: Ông Nguyễn Đình Thụy, ông Nguyễn Đình Uy, bà Nguyễn Thị Lâm, bà Nguyễn Thị Tuyết, bà Nguyễn Thị Hương, bà Nguyễn Thị Lý, ông Nguyễn Đình Cẩn, bà Nguyễn Thị Út, ông Nguyễn Đình Chín.
Ông Uy và bà Vương kết hôn năm 1981. Năm 1983 cụ Tường, cụ Bèn đã cho vợ chồng ông Uy, bà Vương toàn bộ diện tích đất của ông cha và ao đề làm ăn. Sau khi cho vợ chồng ông Uy, bà Vương đất ở, cụ Tường, cụ Bèn cùng các con ra ở khu đất sau Trạm bơm của xã sinh sống. Năm 1993 vợ chồng ông Uy, bà Vương được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa số 322 diện tích là 348 m2. Các thửa ao số 317 diện tích 156m7, thửa số 319 diện tích 120 m2 và thửa 320 diện tích 520 m' vẫn đứng tên cụ Tường.
Năm 1993 do diện tích đất ao cụ Tường cho ông Uy, bà Vương giáp diện tích đất của ông Lê Thanh Tuấn (Lê Văn Tuần), để thuận tiện cho việc sử dụng ông Tuấn, bà Nhiễm đã thỏa thuận với ông Uy, bà Vương, về việc đổi diện tích ao.
Bản án phúc thẩm số 56/2024/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương. |
Cụ thể, ông Uy bà Vương đổi thửa ao số 317 diện tích 156 m2 và 1m đất chạy dài theo thửa đất nhà ông Tuấn là lối đi vào thửa ao số 317 lấy diện tích đất ao của ông Tuấn, bà Nhiễn thửa đất số 77 diện tích 656 m2. Do diện tích đất ao của ông Tuấn bà Nhiễm rộng hơn nên ông Tuấn yêu cầu phải trả thêm cho vợ chồng ông Tuấn số tiền là 1.500.000 đồng, ông Uy, bà Vương đồng ý. Việc đổi đất tại nhà ông Uy có mặt ông Tuấn, bà Nhiễm, ông Uy, bà Vương và cụ Tường. Khi đổi, ngày 13/8/1993 ông Tuấn, bà Nhiễm, ông Uy, bà Vương viết giấy biên nhận đổi đất, hai bên trao đổi giấy biên nhận cho nhau chứ không ký cùng một giấy. Tại giấy ông Tuấn bà Nhiễm viết xác định cụ Tường có mặt chứng kiến, bà Vương là người trực tiếp đưa cho ông Tuấn sô tiên 1.500.000 đồng.
Sau khi đổi thửa ao cho ông Tuấn xong, năm 1993 ông Uy, bà Vương có san lấp một phần diện tích ao khoảng 40 - 50m2 làm quán mổ thịt lợn, xay giò chả bán. Đến năm 1996, do người mua nợ tiền hàng nhiều nên bà Vương không bán nữa, cụ Tường có bàn với vợ ông Uy, bà Vương cho mượn quán để bán đồ vặt cho học sinh, ông Uy, bà Vương đồng ý. Cụ Tường chỉ ra bán quán, tối về ở cùng các con tại thửa đất sau Trạm bơm. Năm 1997, khi ông Cần lấy vợ, cụ Tường, cụ Bèn đưa bà Út, ông Chín ra sinh sống cùng tại quán bà Vương xây dựng mà cụ Tưởng mượn trước đó. Trong thời gian cụ Tường ở diện tích đất này, cụ Tường cùng ông Chín có san lấp thêm, xây kè bờ ao. Quá trình sử dụng, cụ Tường đã trao đối với vợ chồng ông Uy, bà Vương nội dung: "Các con đã có chỗ ở rồi thì cho bố ở chỗ này (chỗ đã vượt lập), sau này các con có làm nhà thì làm nửa dưới (phần ao còn lại)", vợ chồng ông Uy đồng ý. Sau thời gian cụ Tường ở đó, cụ Tường và ông Chín đã san lấp thêm 1 phần diện tích đất ao và ở cùng ông Chín. Khi ông Chín lấy vợ, bà Út đi miền Nam sinh sống thì cụ Tường, cụ Bèn vào nhà ông Cẩn - nhà cũ của các cụ ở đến khi các cụ chết.
Do vợ chông ông Uy, bà Vương có thời gian đi làm xa, công việc bận nên chưa làm thủ tục sang tên chuyển quyền thửa đất trên. Năm 2017, bà Vương được biết ông Chín đặt vấn đề với ông Tuấn đề làm giấy chứng nhận sang tên cho ông Chín đối với toàn bộ diện tích đất đã vượt lập và ao mà ông Uy, bà Vương đã đối cho ông Tuấn, bà Nhiễm. Bà Vương đã sang gặp vợ chồng ông Chín nói chuyện và bảo ông Chín cùng vào gặp ông Tuấn để làm thủ tục nhưng ông Chín không đồng ý. Ông Uy, bà Vương đã làm đơn ra UBND xã Bình Lãng báo cáo sự việc và nhờ UBND xã hòa giải nhưng không thành nên đã làm đơn khởi kiện đến Tòa án yêu cầu giải quyết buộc ông Chín, bà Phượng phải trả cho ông Uy, bà Vương toàn bộ diện tích đất ao còn lại 395,4 m2 (theo hiện trạng đo vẽ) tại thửa số 167 tờ bản đồ số 14 và bà Vương xác định phần diện tích đất đã san lấp không yêu cầu gì.
Tại Bản án số 11/2023/DS-ST ngày 26/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đình Uy và bà Khương Thị Vương. Xác định thửa đất 166 diện tích 241,9m2 và thửa ao 167 diện tích 394,5m2 thuộc tờ bản đồ số 14 tại thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ là tài sản chung chưa chia của cụ Tường, cụ Bèn và vợ chồng ông Uy, bà Vương. Chấp nhận những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụTường, cụ Bèn không có yêu cầu về việc phân chia di sản thừa kế, nhất trí giao cho ông Chín, bà Phượng được quyền sử dụng. Xử chia cho ông Uy, bà Vương thửa ao 167 diện tích 394,5m2 thuộc tờ bản đồ số 14. Chia cho ông Chín, bà Phượng thửa đất ao số 166 (đã vượt lập) diện tích 241,9m2, tờ bản đồ số 14 và tài sản trên đất.
Diện tích đất ao đang giải quyết tranh chấp thuộc thửa 167 tờ bản đồ số 14 tại thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ. |
Không đồng ý với quyết định của Tòa án nhân dân huyện Tứ Kỳ, ông Nguyễn Đình Uy có kháng cáo bản án nêu trên.
Ngày 21/6/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, theo Bản án phúc thẩm số 56/2024/DS-PT tuyên Tòa cấp Sơ thẩm xác định đây là tài sản chung của cụ Tường, cụ Bèn và ông Uy và Vương.
Theo bản án, việc ông Uy và bà Vương giải quyết theo hiện trạng là đúng. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Chín liên quan đến công sức của ông Chín, bà Út. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Uy và bà Vương. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Uy và bà Vương chỉ nhận ½ diện tích đất ao là 318,5m2; phần còn lại tự nguyện để cho vợ chồng ông Chín và bà Út sử dụng, trong đó bà Út là 50m2, còn lại tính công sức cho ông Chín và bà Út. Giao cho ông Uy và bà Vương diện tích đất ao 318,6m2; giao cho ông Chín, bà Phượng 258,7m2 và tài sản trên đất; giao cho bà Út 50m2. Phần được giao cho ông Uy, bà Vương và bà Út nên ông Chín phải thu hoạch cá, trả lại mặt nước.
Kháng nghị Giám đốc thẩm
Ông Chín cho biết, quyết định tại Bản án phúc thẩm số 56/2024/DS-PT là không chính đáng, khi UBND xã Bình Lãng cho rằng, ông Uy, bà Vương đã được cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất (GCN) để xác định đất tranh chấp thuộc tài sản chung của cụ Tường, cụ Bèn và ông Uy, bà Vương là thiếu căn cứ. Bởi lẽ, kết quả giám định cho thấy Giấy biên nhận đổi ao, đề ngày 13/8/1993 được viết vào khoảng năm 2018, trong khi bà Vương đã được cấp GCN từ năm 2001. Như vậy, cần xem xét lại việc bà Vương kê khai, làm thủ tục gộp 1 phần diện tích đất ao và được cấp GCN có đúng trình tự, thủ tục không?
Tiếp đó là mâu thuẫn và thiếu tính chân thực trong lời khai của ông Tuấn khi trình bày về quá trình đổi ao, ông Tuấn nói do không thống nhất đổi ao với cụ Tường nữa nên đã xé giấy đổi ao mà mình giữ (có chữ ký cụ Tường), còn giấy do cụ Tường giữ (có chữ ký ông Tuấn) thì quên không đòi lại. Theo bình thường, lẽ ra ông Tuấn phải xé Giấy đổi ao mà mình đã ký tên. Ngoài ra, thời gian từ khi đổi ao đến khi phát sinh tranh chấp là 25 năm (1993-2018), trong suốt khoảng thời gian này ông Tuấn chưa lần nào sang đòi lại Giấy đổi ao mà ông đã ký. Ông Tuấn trình bày, khi đổi đất với ông Uy có sự chứng kiến của cụ Tường và cụ Tường đã đồng ý. Tuy nhiên, Giấy đổi ao (giả) không có chữ ký của cụ Tường.
Cũng theo ông Chín, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã vi phạm thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Bởi, chứng cứ quan trọng là hai văn bản Giấy đổi ao và Kết luận giám định không được Tòa Phúc thẩm xem xét, đánh giá khách quan. Thời điểm phát sinh tranh chấp là năm 2018 cùng thời điểm viết Giấy biên nhận đổi ao giữa ông Uy và ông Tuấn có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ nhằm chiếm đoạt tài sản của ông Chín nhưng Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã không xử lý hành vi đưa thông tin sai sự thật, không chuyển tài liệu giả mạo cho Cơ quan điều tra xem xét, mặc dù ông Chín đã nhiều lần có ý kiến với Tòa án, Viện kiểm sát, đồng thời gửi đơn thư đến cơ quan công an.
“Tòa án Sơ thẩm, Phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của ông Tuấn, ông Uy, bà Vương để xác định việc đổi đất là giữa 3 người. Trong khi đó, tất cả các anh, chị em còn lại đều khẳng định cụ Tường khi còn sống đã kể chuyện đổi đất và quyết định cho ông Tôi, bà Út diện tích đất đã đổi. Bên cạnh đó, việc Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xác định thửa đất 166; thửa ao 167 tổng hiện trạng toàn bộ diện tích 637,3m2 là tài sản chung của cụ Tường, cụ Bèn và vợ chồng ông Uy, bà Vương, từ đó giao cho ông Uy, bà Vương 318,6m2 và buộc tôi phải thu hoạch cá, trả lại mặt nước là thiếu căn cứ, không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi”, ông Chín cho biết thêm.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Chín cho biết đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.
Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập sẽ thông tin về vụ việc.