Thành Nhà Hồ là chứng tích cho một giai đoạn lịch sử quan trọng của Việt Nam |
Thanh Hóa, vùng đất địa linh nhân kiệt, là cái nôi của những vị anh hùng dân tộc, những câu chuyện lịch sử hùng tráng với những chiến tích vẻ vang. Trước biến cố thăng trầm của lịch sử, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đến ngày nay nhiều di tích vẫn còn sừng sững với thời gian. Nổi bật trong số đó là thành nhà Hồ với những nét đẹp cổ kính, rêu phong, là chứng tích cho một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc và là Thành biểu tượng rực rỡ của văn hóa Việt Nam.
Tòa thành đá độc nhất Đông Nam Á
Cách TP. Thanh Hóa khoảng 45km về phía tây, thành Nhà Hồ tọa lại trên xã Vĩnh Long huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) có niên đại hơn 600 năm, công trình kiến trúc Thành nhà Hồ trở thành công trình trình kiến trúc bằng đá độc nhất vô nhị tại Đông Nam Á
Theo sử sách Thành do Hồ Quý Ly (lúc bấy giờ là Phụ chính Thái sư nhiếp chính nhà Trần) xây dựng vào năm năm mùa xuân tháng một niên hiệu Quang Thái thứ 10 đời vua Thuận Tông của vương triều Trần (năm Đinh Sửu (1397). Hồ Quý Ly xây thành mới ở động An Tôn (nay thuộc địa phận các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), làm kinh đô mới với tên Tây Đô, nhằm buộc triều Trần dời đô vào đấy trong mục tiêu chuẩn bị phế bỏ vương triều Trần. Tháng 3 năm Canh Thân (26-3 đến 24-4-1400), vương triều Hồ thành lập (1400- 1407) và Tây Đô trở thành kinh đô của nước Đại Ngu, thành Thăng Long đổi tên là Đông Đô vẫn giữ vai trò quan trọng của đất nước. Vì vậy thành Tây Đô được dân gian quen gọi là Thành nhà Hồ.
Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối thời Trần đầu Hồ, Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam còn là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới. Đây là công trình thành lũy có địa thế khá hiểm trở với núi non dựng đứng, sông nước bao quanh, vừa có ý nghĩa chiến lược trong phòng thủ quân sự, vừa phát huy được ưu thế giao thông đường thuỷ.
Thành được xây dựng chỉ trong vòng 3 tháng, sau đó được tiếp tục hoàn thiện cho đến năm 1402, được kết cấu gồm thành nội và Thành ngoại được đắp bằng đất với khối lượng gần 100.000 mét khối, trên trồng gai dày đặc cùng với một vùng hào sâu có bề mặt rộng gần tới 50m bao quanh. Để giữ độ chắc chắn cho Hào thành, người xưa đã dùng đá hộc, đá dăm lót ở phía dưới. Phía trước Hào thành là La thành. La thành hiện tại là tòa thành đất cao 6m, bề mặt rộng 9.2m, mặt ngoài dốc đứng, phía trong thoai thoải, mỗi bậc cao 1.5m, một số vị trí có lát thêm sỏi để gia cố. Toàn bộ La thành xây dựng dựa theo địa hình tự nhiên, tạo nên bức tường thiên nhiên hùng vĩ, có chức năng bảo vệ tòa thành và phòng chống lũ lụt.
Bên trong thành ngoại là thành nội có mặt bằng hình chữ nhật chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m. Mặt ngoài của thành nội ghép thẳng đứng bằng đá khối kích thước trung bình 2 m x một m x 0,70 m, mặt trong đắp đất.
Bốn cổng chính và toàn bộ tường thành của Thành nhà Hồ được xây dựng bằng những phiến đá vôi nặng đến hàng tấn. Các phiến đá được xếp chồng khít lên nhau không cần thêm chất kết dính gì vẫn đảm bảo độ bền vững theo thời gian. Đây là các phiến đá vôi màu xanh, dài trung bình 1,5m, có tấm dài tới 6m. Ước tính tổng khối lượng đá dùng để xây dựng tòa thành khoảng 20.000m3. Cùng với đó là gần 100.000m3 đất được đào đắp công phu. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, mặc dù phần kiến trúc bên trong tòa thành đã bị mai một, vùi lấp hết nhưng 4 bức tường thành bằng đá dường như vẫn còn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Trong đó, nổi bật là 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây. Các bức tường – biểu tượng của Thành nhà Hồ trường tồn cùng thời gian, trở thành niềm tự hào của con dân đất Việt.
trải qua hơn 600 năm, cổng thành trở thành biểu tượng của sự trường tồn cùng thời gian |
Các cung điện, dinh thự trong khu vực thành nội đã bị phá huỷ, di tích còn lại hiện nay là 4 cổng thành bằng đá cuốn vòm, tường thành và đặc biệt là Di tích Đàn tế Nam Giao còn khá nguyên vẹn. Trong các phế tích đáng chú ý có nền chính điện chạm một đôi tượng rồng đá rất đẹp dài 3,62 m.
Đặc biệt, trong quần thể di tích thành còn có Đàn tế Nam Giao được xây dựng ở phía Nam thành nhà Hồ, phía bên trong của La thành với diện tích là 155,5 ha. Đàn tế được chia làm nhiều tầng, trong đó tầng đàn trung tâm cao 21.7m. Chân đàn cao khoảng 10.5m. Phần đàn tế trung tâm bao gồm ba vòng tường bao bọc lẫn nhau.
Thành Tây Đô thể hiện một trình độ rất cao về kĩ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững. Vì vậy, Thành nhà Hồ được xem là công trình được xây dựng bằng đá cổ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Điểm độc đáo của tòa thành khiến nhiều người thán phục là nghệ thuật lắp ghép khéo léo những khối đá khổng lồ, thi công trong khoảng thời gian ngắn nhất và có độ bền vững bậc nhất.
Đến nay, kỹ thuật xây dựng Thành Nhà Hồ vẫn còn là đề tài hấp dẫn giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu khảo cổ trong và ngoài nước. Tòa thành có kỹ thuật xây dựng độc đáo, được xem là “hiện tượng đột khởi” về kỹ thuật khai thác, chế tác, xây dựng nên một công trình lớn tầm cỡ chỉ với nguyên liệu cơ bản là đá.
Tòa thành có kỹ thuật xây dựng độc đáo, được xem là “hiện tượng đột khởi” về kỹ thuật khai thác, chế tác, xây dựng nên một công trình lớn tầm cỡ chỉ với nguyên liệu cơ bản là đá. |
Không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo về mặt kỹ thuật xây dựng, Thành Tây Đô còn là một chứng tích lịch sử ghi dấu một giai đoạn ngắn nhưng có nhiều biến động của lịch sử dân tộc dưới triều đại Nhà Hồ. Bởi từ khi sáng lập vương triều mới, Hồ Quý Ly đã ban hành và thực thi một loạt chính sách cải cách về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng của chế độ quân chủ cuối triều Trần, củng cố chính quyền trung ương và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh. Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn với một hệ thống chính sách và biện pháp khá toàn diện, táo bạo. Thành nhà Hồ được xây dựng và tồn tại trong những biến động cuối thế kỷ XIV đầu thê kỷ XV, gắn liền với sự nghiệp của nhà cải cách lớn Hồ Quý Ly và vương triều Hồ. Đây là giai đoạn ngắn của một triều đại nhưng được đánh giá cao trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Nơi đây cũng từng là nơi giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Á và Đông – Nam Á, góp phần thúc đẩy trao đổi tư tưởng, trào lưu mới Việt Nam và khu vực… Thành Nhà Hồ như một nhân chứng lịch sử, trường tồn cùng thời gian, chứng kiến sự đổi thay của vương triều Hồ và những giai đoạn phát triển của đất nước. Ngày nay, nơi đây trở thành địa điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, các di tích khảo cổ… nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách tìm về.
Tháng 6/2011, Thành nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Điều này chứng minh ý nghĩa và giá trị lịch sử của Thành nhà Hồ. Đây là công trình bằng đá “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam và là một trong những tòa thành bằng đá hiếm hoi còn sót lại trên thế giới. Ý nghĩa của Thành nhà Hồ mang giá trị lớn về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hóa, khảo cổ.
Không gian tham quan, khám phá và trải nghiệm
Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 3/11/2024), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ sẽ miễn 100% phí trong ngày 23/11 cho du khách (trong nước và quốc tế) đến tham quan và trải nghiệm di sản Thành Nhà Hồ. Đây là cơ hội vàng để du khách đắm mình trong một trong những kỳ quan kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam và tìm hiểu sâu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, trải nghiệm các trò chơi dân gian, và thưởng thức ẩm thực địa phương đặc trưng của địa phương.
Ngày nay đến Thành Tây Đô (thành Nhà Hồ), du khách sẽ được thỏa sức tham quan khám phá và trải nghiệm những không gian in dấu một chặng lịch sử quan trọng của dân tộc. Đó là trầm tích của một vương triều với những chỉ cách táo bạo và tiến bộ, vượt tầm thời đại, đó là không gian văn hóa xưa giàu bản sắc người Việt, đó là quần thể di tích với vẻ đẹp thanh bình cổ kính, bình dị, mang đậm bản sắc văn hóa Việt
Đến với thành Nhà Hồ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cổng tiền thành nằm ở phía Nam là cổng chính của thành. Cổng tiền bao gồm 3 cửa với độ cao 5.45 ở hai cổng hai bên và 5.75m ở cổng giữa. Bức tường ở cổng tiền thành cao từ từ 5-10m tùy vị trí. Với vẻ quá khứ hiếm có, cổng thành như một cánh cửa thời gian sẵn sàng đưa bạn quay ngược về quá khứ. Đến đây, bạn sẽ cảm thấy như mình được hòa vào bầu không khí của những năm tháng quá khứ với con đường Hoa Nhai dài khoảng 2.5km có phần gạch đá được lát cách đây 600 năm. Đây cũng là vị trí Đây Cổng là nơi được nhiều du khách dừng lại để chụp ảnh vì khung cảnh cổ kính lưu giữ vẻ đẹp có kính, bình yên của kinh đô xưa
Bên trong Thành Nhà Hồ ngày nay là khung cảnh đồng cỏ mênh mông đậm chất làng quê Việt Nam. Đến đây, du khách sẽ được nhìn thấy một tòa thành tràn đầy sức sống với sắc xanh mát, thanh bình, những thửa ruộng ngô đang được vun trồng, những ao sen đầy hoa vô cùng nên thơ, những đàn trâu thung thăng gặm cỏ hoặc những đứa trẻ đang nô đùa trên thành cổ quê hương.
Tại khu vực Không gian trưng bày ngoài trời bao gồm 2 phần chính:
Phần 1 là nơi trưng bày các hệ thống hiện vật bằng đá, trong đó chủ yếu là đá chân tảng. Nổi bật là loại đá có họa tiết nhà Phật như hình tượng đài sen – cánh sen. Một số chỗ có hình uốn lượn, hình tượng rồng, những hình này mang ý nghĩa biểu tượng cho hình ảnh của vua, đại diện cho sức mạnh vương triều. Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày một số hiện vật là vật liệu trang trí hành lang của cung điện.
Đá chân tảng tại khu trưng bày |
Phần 2 trưng bày những tấm pano ảnh lớn giới thiệu về các hiện vật đặc sắc và tiêu biểu của di sản Thành Nhà Hồ. Bên cạnh các dấu vết kiến trúc bên trong thành Nội, những tấm pano còn giới thiệu những hiện vật nổi bật như: ngói đầu ống với họa tiết lá đề chạm rồng đất nung, lá đề cân men vàng tinh xảo, cùng các mô hình đầu chim phượng, chim uyên ương.
Tham quan khu vực Không gian văn hóa nông nghiệp Tây Đô, du khách sẽ được ngắm nhìn các hiện vật gắn liền với đời sống nông thôn xưa như nông cụ truyền thống, đồ vật trong không gian bếp xưa. Nơi đây trưng bày hơn 100 hiện vật, được trình bày theo 3 nội dung, bao gồm: Không gian phòng khách: Trưng bày các hiện vật: bộ bàn trà gồm 5 món, ti vi đen trắng, đài Catsette, đèn dầu… Tất cả tái hiện lại một không gian phòng khách xưa; Không gian nông cụ: Đây là không gian trưng bày các vật dụng làm nông nghiệp truyền thống như cày, bừa, cào, vồ đập đất, chày giã dùng chân, cối xay lúa, cối giã gạo… Bên cạnh đó, khu vực này còn trưng bày một số loại ngư cụ, các loại bẫy dùng để đánh bắt thủy hải sản như lưới, giậm, nơm, các loại bẫy kẹp…; Không gian bếp: Là nơi trưng bày các đồ dùng làm bếp xưa, tái hiện lại gian bếp của một gia đình nông thôn Việt Nam. Không gian trưng bày này gợi nhớ lại đời sống của con người vùng đất Tây Đô, qua đó phản ánh đời sống văn hoá vật chất – tinh thần của vùng đất này trong một thời kỳ lịch sử.
Đặc biệt, tại không gian trưng bày mô hình Súng thần công và cải cách triều Hồ, Du khách sẽ được tận mắt nhìn ngắm một phát minh quân sự lớn, vượt ra khỏi biên giới thời bấy giờ. Súng thần công được xem là Đây là loại vũ khí có sức công phá mạnh mẽ được phát minh bởi Hồ Nguyên Trừng, con trai cả của Hồ Quý Ly. Khu vực Trưng bày mô hình Súng thần công và cải cách triều Hồ tái hiện lại những cải cách tiêu biểu thời bấy giờ như súng thần công, đóng thuyền cổ lâu, cải cách tiền giấy, ban hành chữ Nôm, các cải cách trong thi cử.
Mô hình súng thần công- một phát minh vượt tầm thời đại dưới triều nhà Hồ |
Trong quá trình khai quật, sưu tầm hiện vật, người ta tìm thấy những viên đá nằm dọc chân tường thành, nhiều nhất là ở khu vực phía Bắc Thành nhà Hồ. Đây là những viên đá không đủ điều kiện về kích thước, hình dáng khi lựa chọn xây dựng tòa thành bị loại ra. Những phiến đá này được trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ sắp xếp thành mô hình kiến trúc tường thành tại khuôn viên cổng Nam phục vụ khách tham quan, check – in.
Ngoài ra, tại Nhà trưng bày bổ sung còn trưng bày các hiện vật gắn với quá trình tồn tại và phát triển của triều đại nhà Hồ. Một số hiện vật tiêu biểu phải kể đến: đầu chim Phượng, bi đá, đạn đá, gạch xây thành có khắc minh văn, Thống Đất Nung và cả đá xây thành
Sau khi đến tham quan tại thành Nhà Hồ, du khách có thể mở rộng tour du lịch Vùng đệm và các di tích phụ cận. Vùng đệm và các di tích vùng phụ cận gồm di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh cùng các công trình tôn giáo tín ngưỡng khác như: La thành, Đàn Nam Giao Tây Đô, Đền thờ nàng Bình Khương, Đình Đông Môn, Nhà cổ Phạm Ngọc Tùng, Đền Tam Tổng, Chùa Tường Vân, Đền thờ Trần Khát Chân, Chùa Du Anh và Động Hồ Công, Quần thể thắng tích động Tiên Sơn
Trong đó, Đền Đồng Cổ cách Thành nhà Hồ khoảng 24 phút di chuyển. Đền được xếp hạng cấp Quốc gia vào năm 2001. Đền Đồng Cổ ngày nay còn giữ được lối kiến trúc độc đáo và nhiều thần tích, sắc phong của các triều đại. Đền thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp, chiêm bái cầu nguyện.
Làng du lịch Yên Trung: cách Thành nhà Hồ khoảng 26 phút di chuyển bằng ô tô, làng du lịch Yên Trung là một trong những điểm nhấn du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa. Đến đây, du khách sẽ được tham quan những ngôi nhà cổ, đắm mình trong không gian làng quê xưa, ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp hay thử sức với các trò chơi dân gian thú vị.
Danh thắng Kim Sơn: từ Thành nhà Hồ, du khách mất khoảng 38 phút di chuyển bằng oto để đến danh thắng Kim Sơn. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp tuyệt mỹ với những dãy núi hùng vĩ, hệ thống động nước, động khô kỳ vĩ và ngôi chùa nhỏ nằm nép mình dưới chân núi. Đi thuyền trên suối Ấu ngắm cảnh núi non hữu tình là trải nghiệm hấp dẫn không thể bỏ qua khi ghé thăm nơi này.