Vai trò của Bảo hiểm đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam

21:04 16/03/2022

Bảo hiểm không chỉ là một giải pháp đảm bảo dự phòng, hỗ trợ ổn định tài chính một cách kịp thời cho mỗi cá nhân, gia đình hay doanh nghiệp trước những rủi ro, biến động của cuộc sống, mà ở cấp vĩ mô, bảo hiểm còn giữ vai trò quan trọng trong việc huy động vốn và chuyển hóa nguồn vốn để đầu tư tăng trưởng và phát triển nền kinh tế.

Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet. 

Trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, phí bảo hiểm được các doanh nghiệp bảo hiểm thu trước còn việc chi trả tiền và bồi thường bảo hiểm nếu có thì sẽ diễn ra sau. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam sẽ sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi được huy động này để mang đi đầu tư tại thị trường Việt Nam. Tùy thuộc vào loại hình bảo hiểm cụ thể, mà nguồn vốn sẽ được các Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào các hạng mục khác nhau, với những tỷ lệ khác nhau, nhưng chỉ trong phạm vi được Luật kinh doanh bảo hiểm quy định. 

Theo quy định tại Điều 98 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000, tiền bảo hiểm sẽ được đầu tư chi tiết như sau: “Việc đầu tư vốn của doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư ở Việt Nam trong các lĩnh vực sau đây: Mua trái phiếu Chính phủ; Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; Kinh doanh bất động sản; Góp vốn vào các doanh nghiệp khác; Cho vay theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Chính phủ quy định cụ thể danh mục đầu tư thuộc các lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều này và tỷ lệ vốn nhàn rỗi được phép đầu tư vào mỗi danh mục đầu tư nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp bảo hiểm luôn duy trì được khả năng thanh toán.”

Năm 2020, khi nền kinh tế toàn thế giới hứng chịu sự tác động tiêu cực rất nặng nề do đại dịch Covid- 19, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với tăng trưởng GDP. Theo số liệu thống kê tại niên giám bảo hiểm năm 2020: Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 185,960 tỷ đồng, tăng 16.09% so với năm 2019; tổng doanh thu từ hoạt động đầu tư bảo hiểm đạt 34,745 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kì năm trước, dẫn đến tổng doanh thu toàn ngành bảo hiểm đạt 220,705 tỷ đồng, đóng góp 3,55% vào tổng sản phẩm Quốc nội (GDP).

Về năng lực tài chính của ngành bảo hiểm, trong năm 2020, tổng tài sản của toàn ngành lên đến 573,225 tỷ đồng, con số này được mang tái đầu tư trở lại vào nền kinh tế là 468,363 tỷ đồng. Hơn 80% trong tổng nguồn vốn tái đầu tư vào nền kinh tế này được các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào những danh mục có độ an toàn cao như: tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương. Việc lựa chọn đầu tư vào những danh mục này, cũng góp một phần không nhỏ để đảm bảo nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng cho các cá nhân, tạo điều kiện cho quá trình sản xuất được liên tục và góp phần điều hòa toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra, việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ đã giúp giải quyết nhu cầu về vốn cho các dự án đầu tư công “điện, đường, trường, trạm”, bù đắp cho sự thiếu hụt ngân sách quốc gia, không còn phụ thuộc vào nguồn thu thuế từ dân.

Ngoài việc trực tiếp phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế, thì ngành bảo hiểm còn đóng góp không nhỏ vào việc ổn định kinh tế-xã hội. Riêng năm 2020, số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm là 48,768 tỷ đồng, số tiền không hề nhỏ này đã góp phần khắc phục và hạn chế những tổn thất cho các đối tượng tham gia bảo hiểm, giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời số tiền được bổ sung dự phòng nghiệp vụ trong năm cũng đạt 73,428 tỷ đồng. Khoản dự phòng nghiệp vụ này nhằm mục đích đảm bảo thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm đã được xác định trước và phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết theo điều khoản hợp đồng, góp phần xử lí tổn thất của nền kinh tế.

Không chỉ có vậy, ngành bảo hiểm còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động, trong khi ở các ngành nghề khác, hàng triệu người đã mất việc làm hay buộc phải ngừng sản xuất, kinh doanh do sự ảnh hưởng của đại dịch.

Năm 2021, diễn biến dịch Covid-19 vẫn vô cùng phức tạp ở Việt Nam. Trong bối cảnh cả nước oằn lưng chống dịch, các đợt phong tỏa nghiêm ngặt và giãn cách kéo dài, việc tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế, thì theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 217.338 tỷ đồng, tăng trưởng 16.71% so với cùng kỳ năm 2020. Sự tăng trưởng vượt bậc này, một lần nữa khẳng đinh rằng “trong nguy luôn có cơ”, và ngành bảo hiểm đã biết tận dụng cơ hội để đạt được những chỉ số phát triển đáng ngưỡng mộ để chống đỡ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, thể hiện vai trò quan trọng của ngành đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế vĩ mô.

Năm 2022, khi đã trải qua hơn 2 năm chống chọi với đại dịch, sức khỏe và an toàn tài chính đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân. Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phát triển các nền tảng công nghệ số, đa dạng hóa các kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm, tung ra nhiều sản phẩm bảo hiểm… nhằm đem lại những trải nghiệm mới, đa dạng và vô cùng thuận tiện cho khách hàng. Việc thực hiện các hoạt động bảo hiểm chưa bao giờ dễ dàng đến vậy khi mà các sản phẩm bảo hiểm có thể được mua ngay trên những sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki..., hay việc khám sức khỏe thẩm định  để phát hành hợp đồng có thể thực hiện trực tuyến như tại Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential; hay việc gửi yêu cầu bồi thường qua các ứng dụng ở hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm. Sự gia tăng về nhu cầu bảo hiểm cũng như sự thuận tiện về công nghệ, sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng doanh thu cho các doanh nghiệp bảo hiểm vào năm 2022, hứa hẹn sự đóng góp không nhỏ của ngành bảo hiểm vào hoạt động khôi phục nền kinh tế của đất nước trong và sau đại dịch.

Kim Ngân - Linh Đan