Ứng dụng công nghệ tái chế và 3D SCAN để thúc đẩy bảo vệ môi trường

20:51 24/09/2023

Trong bối cảnh tăng cường bảo vệ môi trường và thay đổi cách tiêu dùng, nhiều công ty tại Việt Nam đã ứng dụng công nghệ tái chế và 3D scan để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường và cung cấp trải nghiệm mới cho người tiêu dùng.

Mới đây, với mục đích nhằm giúp doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, cập nhật thông tin thị trường, bạn hàng và đối tác, đặc biệt là có được sự đột phá trên con đường tìm nguồn cung ứng vải bền vững và sáng tạo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực TP.HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Công ty Cổ phần Giải pháp Dệt may Bền vững (STS), Tập đoàn TENGDA và các đối tác khác tổ chức Triển lãm Quốc tế Vải cao cấp Texfuture Việt Nam 2023 – Mùa Thu Đông từ ngày 20/9 đến ngày 22/9/2023.

Với chủ đề "Cùng nhau tái chế - Cùng nhau tuần hoàn", Triển lãm được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội kinh tế mới với sự quan tâm và đồng hành của hơn 15 nhãn hàng, hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm, hơn 1.000 nhà máy doanh nghiệp dệt may, hơn 1.000 thương hiệu thời trang Việt và hơn 2.500 lượt khách tham quan và theo dõi.

Da Microfiber sẽ thay thế thân thiện hơn cho da thật
Ông Gary- Giám đốc công ty Viet KAI giới thiệu loại da Microfiber sẽ thay thế thân thiện hơn cho da thật.

Tham gia triển lãm, ông Gary- Giám đốc công ty Viet KAI, cho biết công ty này chuyên cung cấp Da Microfiber, một loại da nhân tạo thế hệ thứ ba. Loại da này được sử dụng trong nhiều ngành, bao gồm nội thất, ôtô, giày dép, túi xách và phụ kiện. So với da thật, Da Microfiber không chỉ trông giống hệt mà còn thân thiện hơn với môi trường. Hiện nay, khi việc sản xuất da thật gây ô nhiễm môi trường, Da Microfiber đang trở thành xu hướng thay thế đáng chú ý.

Đại diện Công ty Thanh Tùng 2, ông Huỳnh Phước Lộc- Giám đốc điều hành Công ty Thanh Tùng 2 cho biết hiện công ty đã phát triển công nghệ tái chế rác thải nhựa cao su. Thay vì bỏ phế liệu và thải đi, công ty này đã tìm cách tái chế chúng thành các sản phẩm hữu ích. Công nghệ này giúp giảm thiểu tỷ lệ đốt và chôn lấp phế liệu, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. 

Khách tham quan thích thú với sản phẩm tái chế của công ty Thanh Tùng 2
Khách tham quan thích thú với sản phẩm tái chế của Công ty Thanh Tùng 2.

Sản phẩm phù hợp sử dụng cho từ nhà tiền chế, tấm ngói cho các khu vực khắc nghiệt với môi trường, nhà di động, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Đặc biệt phù hợp cho các vùng sâu vùng xa có thể rửa và sử dụng lại sau khi lũ đi qua.

Ở mảng nội thất, ông Lộc cho biết cũng có sản xuất thêm một số tranh in và bàn ghế nội thất.  “Một số nước họ đã có sản phẩm này từ rất lâu và đặt mua tấm ván của Thanh Tùng 2 để làm công viên, khách sạn. Sản phẩm này hạn chế thấp nhất tỷ lệ đốt và chôn lấp theo yêu cầu của bộ tài nguyên môi trường và thế giới.”, ông Lộc nói.

Sản phẩm dây đai tái chế của công ty K&K
Sản phẩm dây đai tái chế của công ty K&K.

Một đại diện đến từ Hồng Kong, ông Andrew Fung - Giám đốc kinh doanh Công ty K&K, cho biết đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhựa dây đai tái chế tại Đồng Nai. Sản phẩm này được làm từ nguyên liệu tái chế chủ yếu lấy nguồn từ Việt Nam và sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Sắp tới, công ty này sẽ cho xây dựng mhà máy mới với đầu tư ban đầu là 300 triệu Hồng Kong và với diện tích 300 nghìn m2, toàn bộ đều sử dụng năng lượng mặt trời, đồng thời có giải pháp xử lý nước thải hiệu quả.

Đơn vị đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ Hologram tương tác 3D 4K. Công ty Infinity Uni Studio cũng mang đến triển lãm dịch vụ tạo mẫu 3D có thể thông qua thiết kế 3D hoặc quét 3D và quy trình Reverse Engineering, lập trình tương tác thông qua chạm màn hình, camera nhận diện khuôn mặt và mô phỏng lên nhân vật 3D, cảm biến chuyển động... Và cung cấp các thiết bị Hologram tương tác với chất lượng hiển thị 4K đảm bảo độ chi tiết sắc sảo của đối tượng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ông Phạm Đình Thịnh, (thứ 3 từ trái sang)- Founder, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Infinity Uni Studio chia sẻ tại tọa đàm

Ông Phạm Đình Thịnh, Founder, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Infinity Uni Studio chia sẻ đã ứng dụng công nghệ này vào nhiều ngành, bao gồm kiến trúc, siêu thị, thời trang, và nhiều ứng dụng khác. Các sản phẩm của họ, như Virtual store và virtual fitting room, cho phép người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm một cách tương tác và thú vị. Điều này giúp tiết kiệm nguồn lực so với việc xây dựng nhiều showroom vật lý.

Ngoài ra, theo ông Thịnh, sản phẩm này có khả năng thúc đẩy trải nghiệm mua sắm và bảo vệ môi trường. Bằng việc sử dụng các thiết bị Holobox, người tiêu dùng có thể trải nghiệm vô hạn số lượng sản phẩm với chất lượng 4K. Họ có khả năng tương tác với các mô hình 3D, thay đổi vật liệu và chi tiết, và thậm chí chốt đơn mua hàng ngay tại chỗ. Công nghệ này không chỉ thúc đẩy trải nghiệm mua sắm mà còn giúp người dùng hiểu rõ hơn về nguồn gốc và đặc điểm của sản phẩm, đóng góp vào việc xây dựng thương hiệu nông sản và nguyên liệu sạch theo vùng.

Mị Dung