Lá thăm may rủi đã đưa U23 Việt Nam của HLV Park Hang-seo vào bảng đấu vừa sức ở vòng chung kết U23 châu Á 2020, nơi cả ba đối thủ đều chưa từng góp mặt tại một trận chung kết U23 châu Á nào trong lịch sử.
Do điều lệ chỉ cho phép 3 đội tuyển dẫn đầu có vé tới Olympic, thầy trò HLV Park Hang-seo tối thiểu phải vượt qua vòng bảng và giành chiến thắng ở tứ kết nếu muốn đáp máy bay tới Thế vận hội.
Sau lễ bốc thăm hôm 26/9, cơ hội cho U23 Việt Nam đang hiện lên khá rõ ràng.
Lá thăm may rủi đưa U23 Việt Nam vào bảng đấu dễ chịu ở vòng chung kết U23 châu Á 2020. Đồ họa: Minh Phúc. |
Các đối thủ ở bảng D vừa sức với U23 Việt Nam
Bảng D là bảng đấu không quá khó khăn tại vòng chung kết. Nếu bảng A có cựu vương năm 2013 Iraq, bảng B có nhà vô địch 2016 Nhật Bản, bảng C có đương kim vô địch Uzbekisan, thì bảng D không xuất hiện bất kỳ nhà vô địch nào. Đội bóng từng tiến xa nhất tại đây là Việt Nam với thành tích Á quân năm 2018.
Jordan là đội duy nhất ở bảng D từng giành huy chương đồng năm 2013. CHDCND Triều Tiên và UAE chưa từng vào tới top 4. Không có ai trong số họ đủ sức đe dọa U23 Việt Nam như Iraq, Nhật Bản, Uzbekistan hay Hàn Quốc ở các bảng đấu khác.
Lịch sử đối đầu cũng ủng hộ bóng đá Việt Nam. 2 lần gặp nhau gần nhất, bóng đá Triều Tiên đều lép vế trước Việt Nam. Tuyển Triều Tiên thua Việt Nam 2-5 trong trận giao hữu hồi năm 2016 trước khi bị đội dự bị của thầy Park cầm hòa 1-1 tại Mỹ Đình trước thềm Asian Cup.
Tuyển Jordan cũng không thắng được Việt Nam trong cả hai lần đối đầu ở vòng loại Asian Cup trước khi thua Việt Nam trên chấm luân lưu tại giải vô địch châu Á. U23 UAE vượt qua Việt Nam tại trận tranh hạng ba Asian Games, nhưng đó là chiến thắng có được trên chấm luân lưu.
U23 Việt Nam là đội duy nhất tại bảng D giành trọn vẹn 9 điểm ở vòng đấu loại. Ảnh: Minh Chiến. |
Phong độ của 4 đội tại vòng loại cũng mang tới sự khác biệt. U23 Việt Nam ở bảng đấu khó với sự hiện diện của chủ nhà U23 Thái Lan, Indonesia nhưng vẫn giành 9 điểm tuyệt đối, ghi 11 bàn, không để lọt lưới một lần. Chiều ngược lại, cả U23 UAE, Jordan và CHDCND Triều Tiên đều có 7 điểm. Triều Tiên thậm chí còn bị Singapore cầm hòa 1-1.
So với 3 đối thủ, U23 Việt Nam cũng là đội bóng ổn định hơn cả. Nguyễn Quang Hải và đồng đội đã thi đấu với nhau từ cuối năm 2017, duy trì hệ thống ăn ý, công thức chiến thắng qua 3 giải đấu khác nhau ở sân chơi U23. Đội hình U23 Việt Nam có khoảng một nửa là các tuyển thủ quốc gia, nhiều người có kinh nghiệm tại Asian Cup, thậm chí đang chơi bóng ở châu Âu như Đoàn Văn Hậu.
U23 Việt Nam là đội bóng hiếm hoi dự đủ các sự kiện châu lục trong năm 2018. Cùng thời gian ấy, UAE không giành được vé tới U23 châu Á lần trước, Jordan không được dự Asian Games năm ngoái.
Trước thềm lễ bốc thăm, trang chủ Liên đoàn Bóng đá Châu Á gọi U23 Việt Nam là đội bóng “không thể bị ngăn cản”. Thực tế cho thấy thầy trò HLV Park không phải ngán bất kỳ đối thủ nào tại bảng D.
Lịch thi đấu Vòng chung kết U23 châu Á 2020 của U23 Việt Nam. Đồ họa: Minh Phúc. |
Những lợi thế khách quan
Lịch thi đấu cũng mang tới lợi thế khác cho U23 Việt Nam. Quang Hải và đồng đội được gặp 2 đối thủ Tây Á tới từ các nhóm hạt giống số 3 và số 4 trước khi chạm trán CHDCND Triều Tiên (nhóm 2) ở lượt trận cuối.
Nếu vượt qua được 2 đội Tây Á, điều chúng ta đã làm rất tốt trong hai năm qua, U23 Việt Nam sẽ có lợi thế và được quyền tính toán trước thềm lượt đấu cuối.
Bảng D cũng là bảng thi đấu muộn nhất với lượt trận ba diễn ra hôm 16/1. Thời điểm đó, cục diện ba bảng A, B và nhất là bảng C đã an bài. HLV Park Hang-seo có thể dựa vào thứ hạng của U23 Hàn Quốc hay Uzbekistan để quyết định chiến lược thi đấu của mình.
Với 4 cái tên Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc và đương kim vô địch Uzbekistan, bảng C cũng là bảng đấu khốc liệt nhất, khó đoán nhất tại vòng chung kết. Các đội bóng ở bảng này chắc chắn sẽ phải vắt kiệt sức trong từng trận đấu trước khi tiến vào tứ kết, nơi các đại diện tại bảng D đang chờ họ.
Lợi thế khác của U23 Việt Nam là sân đấu. Đây là lần thứ 3 trong ba năm qua, các đội tuyển của HLV Park Hang-seo hành quân tới Buriram (Thái Lan). So với các đối thủ, U23 Việt Nam quen thuộc hơn với khí hậu, sân bãi, điều kiện tập luyện, đội ngũ hậu cần cũng hiểu biết hơn về việc nghỉ ngơi, ăn uống, khách sạn trong khu vực. 2 lần gần nhất ra sân tại Buriram ở M-150 Cup 2017 và King’s Cup 2019, các đội tuyển Việt Nam đều chơi ấn tượng.
Nếu U23 Nhật Bản có mặt tại bán kết, ba đội tuyển còn lại ở bán kết được vào thẳng Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty. |
Lợi thế cuối cùng của U23 Việt Nam trên hành trình tới Olympic đến từ phong độ của U23 Nhật Bản. Do Nhật Bản là chủ nhà Thế vận hội, tấm vé vào bán kết của họ sẽ tạo điều kiện cho 3 đội còn lại ở bán kết có suất vào thẳng Olympic Tokyo 2020. Dựa trên phong độ của U23 Nhật Bản, đây là viễn cảnh có thể nhìn thấy trước.
U23 Nhật Bản là nhà vô địch châu Á năm 2016. Asian Games năm ngoái, họ vào tới chung kết và chỉ thua trước Hàn Quốc có Son Heung-min. Vòng loại U23 châu Á vừa qua, U23 Nhật Bản là đội ấn tượng nhất với 3 trận toàn thắng, ghi 21 bàn, không để lọt lưới một lần.
Lứa U23 này được người Nhật xây dựng từ nhiều năm trước để chuẩn bị cho Olympic. Vòng chung kết U23 châu Á vào tháng 1/2020 sẽ là sân chơi lớn cuối cùng để họ kiểm tra sức mạnh trước Thế vận hội. Thật khó tin đội bóng như vậy sẽ dừng bước trước bán kết.
Một năm trước, thành tích lịch sử tại Thường Châu không thể đưa U23 Việt Nam tới Olympic. Lần này, với lực lượng mạnh hơn, kinh nghiệm dày dạn hơn cùng hàng loạt lợi thế cả chủ quan và khách quan, cánh cửa đến với Thế vận hội đang mở ra trước mắt thầy trò HLV Park Hang-seo.
Thanh Hà