Cây cỏ bàng vốn được biết tới như là một loại cỏ năn mà người miền Tây thường gọi nó đơn giản là cây bàng. Cây cỏ bàng có tên khoa học là Lepironia articulate, có nhiều nhất ở các tỉnh như Tiền Giang (Phú Mỹ, Tân Phước), Long An (Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng…), An Giang, Kiên Giang… Cỏ bàng có đặc điểm nổi bật là loài thuộc thân cỏ, mình tròn, rỗng ruột, có rễ chùm, mình đo gần bằng đầu đũa, cao từ 1.3-2m, trông giống y hệt cây lác (cói) hoặc cây cỏ năn, nhưng cỏ bàng mình lớn, cứng, dài hơn và trổ bông quanh năm.
Với mong muốn đây sẽ là món quà đặc trưng để du khách nhớ về miền Tây thân thương, đằm thắm mỗi khi có dịp ghé về nơi đây du ngoạn, anh Bùi Văn Được - Giám đốc Công ty TNHH Miền Tây Xanh (Long An) cho biết, bộ sưu tập túi xách làm từ cỏ bàng lần này được thiết kế đặc biệt, công phu, tỉ mỉ trên từng đường nét do các nghệ nhân của công ty chế tác. Cỏ bàng mang vẻ đẹp thuần khiết của người dân miền sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là vật dụng vô cùng thân thiện với môi trường. Để có được những chiếc túi xách sang trọng và không kém phần tinh tế, các nghệ nhân đã phải trải qua 8 công đoạn để ráp nối thành công các chi tiết trên giỏ mới cho ra thành phẩm hoàn hảo.
Tại buổi ra mắt đã quy tụ hơn 20 mẫu sản phẩm túi xách đan từ cỏ bàng, được trình diễn bởi các nàng hậu thướt tha trong bộ bà ba miền Tây cùng tà áo dài truyền thống của dân tộc. Từ dòng cơ bản đến cao cấp, qua mỗi sản phẩm là một câu chuyện, một ý nghĩa và công dụng riêng mà các nghệ nhân đã dành nhiều thời gian để gửi gắm tình cảm vào đó. Những chiếc túi xách cỏ bàng có ý nghĩa mang đậm nét bảo tồn những giá trị văn hóa, thân thiện với môi trường. Mặt khác, nó không hề kém cạnh với những chiếc túi “mô đen” hàng hiệu dành cho các cô nàng phố thị, thậm chí còn có thể đem đến cho các bạn nước ngoài hiểu thêm về những ngành nghề truyền thống trong nước.
Trước kia, người dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch cỏ bàng để tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: đan đệm, làm nón, bao bì, lợp nhà tranh… Ngày nay, cây cỏ bàng vẫn mạnh mẽ như chính cách nó sống và không hề mai một. Nó phát triển song song trong thời kỳ hội nhập. Nghề đương nón, đương đệm, đương giỏ xách bàng vẫn còn tồn tại ở một số vùng quê. Các sản phẩm rất tiềm năng cho thị trường xuất khẩu lẫn trong nước. Cỏ bàng còn được sử dụng để làm ống hút, quai xách ly thay thế bọc nhựa thông thường, vô cùng an toàn, tiện lợi và thân thiện với môi trường.
Được biết, trong tháng 05/2023, Công ty TNHH Miền Tây Xanh sẽ phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư TMDV Mekong Long Ngân ký hợp tác phân phối lô sản phẩm cao cấp cho Khách sạn Mường Thanh.
Uyển Nhi