Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 27a như sau: đến ngày 31/12/2021, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự thảo thông tư gia hạn thời hạn 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa thêm 1 năm (thay cho quy định hiện hành tại Thông tư 19/2016/TT-NHNN là “đến ngày 31/12/2020”).
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc gia hạn này để phù hợp với tiến độ triển khai thực tế về chuyển đổi các thiết bị chấp nhân thẻ của các ngân hàng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đặt ra lộ trình đến cuối năm 2021 có 100% thẻ ngân hàng và các thiết bị chấp nhận thẻ tại VN phải được chuyển đổi sang tiêu chuẩn chip. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đang xin gia hạn vì nhiều khả năng khó về đích vào năm 2021 do ảnh hưởng từ COVID-19.
Dù vậy, các ngân hàng cũng cho biết đang cố hết sức để đẩy nhanh quá trình "chip hóa" thẻ nội địa nhằm khắc phục được tình trạng tội phạm thẻ đánh cắp dữ liệu thẻ để chế tạo thẻ giả nhằm rút trộm tiền. Đồng thời thúc đẩy thanh toán không tiền mặt bằng thẻ ATM, đặc biệt thanh toán không chạm và theo kịp tốc độ thay đổi công nghệ hiện nay.
Theo báo Tuổi Trẻ Online, gần đây các tổ chức thanh toán quốc tế cũng liên tục đổi mới công nghệ.
Mới đây, Mastercard đã hợp tác MatchMove và Tappy Technologies ra mắt công nghệ mã hóa thẻ thanh toán trên chip nhỏ, có thể gắn được trong nhiều loại thiết bị và phụ kiện đeo trên người, không dùng pin như dây đồng hồ hay móc chìa khóa, biến chúng thành các thiết bị hỗ trợ thanh toán không chạm trong bối cảnh người tiêu dùng ở châu Á và trên toàn thế giới đang chuyển dần sang thanh toán không chạm.
Cũng theo Mastercard, các khảo sát gần đây cũng cho thấy các nền kinh tế như Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam ngày càng có thái độ ủng hộ đối với tương lai kỹ thuật số.
Theo một nghiên cứu toàn cầu năm 2020, 91% người được hỏi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết đang sử dụng thanh toán chạm và đi, trong khi 75% cho biết sẽ tiếp tục sử dụng thẻ không chạm sau khi đại dịch kết thúc do những lo ngại về an toàn.
Bảo Bảo