Liên quan đến giải pháp cấp bù lãi suất này, mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong Kỳ họp tháng 10 tới đây các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cấp bách về dòng tiền cho doanh nghiệp.
TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho rằng, gợi ý của Chủ tịch Quốc hội nên thảo luận một cách nghiêm túc, bởi 2 lý do.
Thứ nhất, cần biện pháp mang tính chất vĩ mô, từ hai phía. Đó là ngân hàng trung ương, cộng với các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách, để bớt nặng để cho cả hai bên.
Hiện nay, Chính phủ, Quốc hội đã áp dụng nhiều chính sách cứu trợ doanh nghiệp, dù có nhiều tổ chức hạ đến ba lần lãi suất từ năm ngoái năm nay, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu không đủ. Vì vậy, gói kích thích lãi suất này phải tạo ra một dấu ấn riêng.
Theo đó, dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung chẳng hạn, 1%/năm. Cộng với gói kích thích lãi suất này, đâu đó 2-3%/năm, tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các doanh nghiệp, có thể lên đến 4%/năm.
Thứ hai, về nguồn lực. Chúng ta căn ke quá nhiều. Đừng nghĩ chính phủ Mỹ và Nhật Bản, châu Âu nhiều tiền là không đúng. Nguồn lực Chính phủ các nước cũng vô cùng khan hiếm, chỉ đủ để chi tiêu thường xuyên và quản trị công. Hàng ngàn tỷ tài trợ cho doanh nghiệp, việc làm, thậm chí tài trợ đại trà đều vay ngân hàng trung ương.
Năm nay, với quy mô 3.000 tỷ đồng dự kiến để bù 4% lãi suất, dự kiến sẽ có khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng tín dụng ưu đãi được “bơm” ra nền kinh tế. "Tôi cho rằng quy mô này quá nhỏ, không thấm vào đâu để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét", TS. Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn.
Bộ Tài chính không dám đưa ra gói lớn hơn, vì lo sợ tạo rắc rối lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, Bộ Tài chính có thể tính toán phát hành trái phiếu để vay của dân chúng hoặc vay của ngân hàng trung ương. Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương rất lớn, gấp tới 4 lần dự trữ ngoại tệ năm 2009.
Vì vậy, “cần tạo ra khung khổ pháp lý cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh thu giảm, lợi nhuận có thể âm, lỗ, không có tài sản đảm bảo, đều tiếp cận được gói hỗ trợ. Phải có quy chế đặc biệt, để không ảnh hưởng đến Luật tổ chức tín dụng”, ông Nghĩa đề xuất.
Gói này áp dụng đại trà, bình đẳng, chứ không phân biệt nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, không phân biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, cần tính toán kéo dài gói hỗ trợ này trong vòng bao lâu, để sau khi kết thúc thì giải tán quy chế này. Ngân sách và các ngân hàng thương mại cũng phải thanh toán món này cho sòng phẳng, chứ không phải trừ vào thuế doanh nghiệp, chẳng khác đi “đem đá ném xuống ao bèo”, không đâu vào đâu. Đồng thời, thực hiện cách nghiêm túc, nhanh chóng, thuận tiện, cãi nhau hàng chục năm trời cũng không quyết toán nổi, không khéo xử lý hậu quả gói này lại mất đến 10 năm.
TT