Thế nào là truyền thông marketing tích hợp?
Truyền thông marketing tích hợp trong tiếng Anh là Integrated Marketing Communications (IMC).
Truyền thông marketing tích hợp là một quá trình kinh doanh mang tính chiến lược được sử dụng để lên kế hoạch, phát triển, thực hiện và đánh giá các chương trình truyền thông thương hiệu có tính thuyết phục, có khả năng đo lường và phối hợp được các tác động tới khách hàng, cán bộ nhân viên và những người có liên quan khác bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Mục đích của truyền thông marketing tích hợp không chỉ nhằm tăng doanh thu trong ngắn hạn mà còn là xây dựng thương hiệu, giá trị cổ đông trong dài hạn.
Vai trò của truyền thông marketing tích hợp
Nguyên lý hoạt động của truyền thông marketing tích hợp có thể được hiểu một cách đơn giản và chính xác nhất qua câu ca dao tục ngữ xưa “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Ở bất cứ một công việc nào cũng vậy, sự kết hợp và tổ chức chặt chẽ luôn dẫn tới những thành quả lớn lao, nhanh chóng hơn so với việc hoạt động riêng lẻ một mình.
Truyền thông marketing tích hợp mang đến những lợi ích toàn diện:
- Xây dựng sự nhất quán, thiết lập hình ảnh thương hiệu trong nhận thức của khách hàng.
- Sự bổ trợ, kết hợp của các công cụ truyền thông làm gia tăng tốc độ lan tỏa thông điệp, tiếp cận nhóm khách hàng đại chúng đông đảo, đa dạng.
- Nắm bắt tâm lý khách hàng, từ đó xây dựng các kế hoạch thúc đẩy bán hàng, chính sách chăm khóc người dùng hiệu quả hơn.
- Gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường với các thương hiệu đối thủ, trở nên nổi bật hơn trong mắt của khách hàng.
- Tiết kiệm chi phí và đem lại hiệu quả cao hơn so với hình thức truyền thông riêng lẻ.
Tuy nhiên, Truyền thông marketing tích hợp không thể làm được những điều sau:
- Làm cho người tiêu dùng mua sản phẩm mà họ không có nhu cầu
- Thuyết phục khách hàng ra giá cao hơn với sản phẩm
- Nhắn nhủ khách hàng mua trong khi hàng hóa đang khan hiếm.
Các công cụ Truyền thông marketing tích hợp
Để hiểu rõ nhất về Truyền thông marketing tích hợp, cách thức đơn giản đó là nắm rõ về những công cụ phục vụ mục đích truyền thông này. Mỗi công cụ truyền thông sẽ thể hiện rõ rệt nhất về mục đích mà chiến dịch hướng tới.
Các công cụ marketing tích hợp được gói gọn qua 5 phương thức chủ yếu như sau:
Quảng cáo (Advertising)
Quảng cáo là một trong những công cụ quan trọng hàng đầu của mọi kế hoạch Truyền thông marketing tích hợp. Chúng được hiểu là những hoạt động truyền đi thông điệp nhãn hàng, thông tin sản phẩm, hình ảnh thương hiệu một cách lặp đi lặp lại trên phạm vi rộng rãi.
Hoạt động quảng cáo có thể bao gồm cả trả phí và không mất phí nhưng tựu chung lại, nó vẫn đòi hỏi một nguồn ngân sách nhất định để doanh nghiệp có thể lan tỏa thông điệp nhanh chóng, và trở nên phổ biến.
Các phương tiện thực hiện quảng cáo đa dạng bao gồm:
- Phương tiện in ấn: báo in, tạp chí, tờ rơi…
- Phương tiện quảng cáo ngoài trời: biển bảng, quảng cáo trên phương tiện giao thông…
- Phương tiện điện tử: TV, Radio, quảng cáo trực tuyến…
- Phương tiện trực tiếp: điện thoại, email…
- Phương tiện quảng cáo tại điểm bán: hội chợ, POSM, sự kiện, triển lãm...
Quan hệ công chúng (Public Relations)
Quan hệ công chúng là hinh thức truyền thông phi cá nhân về một tổ chức, một sản phẩm, dịch vụ hoặc ý tưởng mà chủ thể không phải trả tiền một cách trực tiếp (hoặc ẩn dưới dạng hoạt động tài trợ.
Mục đích của hoạt động quan hệ công chúng chính là xây dựng nhận thức và thiết lập những ấn tượng tích cực từ công chúng đến nhãn hàng, thương hiệu. Đây cũng là hoạt động để đo lường sự đánh giá từ khách hàng.
Bán hàng cá nhân (Personal Selling)
Bán hàng cá nhân là một phương thức giao tiếp trực tiếp và cá nhân, trong đó người bán hàng cố gắng để trợ giúp hoặc thuyết phục khách hàng mua sản phẩm hoặc tạo thiện cảm của khách hàng đối với doanh nghiệp để ảnh hưởng đến hành động mua hàng trong tương lai. Hoạt động này tạo ra sự tương tác cao, có khả năng tác động mạnh vào quyết định cũng như nắm bắt rõ về tâm lý khách hàng.
Tuy nhiên tầm ảnh hưởng của chúng có phần hạn chế hơn, đòi hỏi chuyên môn cao từ nhân viên bán hàng. Đây chính là con dao 2 lưỡi bởi nếu tư vấn tốt – bạn bán được hàng, còn khi sai sót xảy tới có thể gây ảnh hưởng xấu cho cả thương hiệu.
Marketing trực tiếp (Direct Marketing)
Marketing trực tiếp là hoạt động tiếp xúc với khách hàng thông qua một phương tiện truyền dẫn (không phải người bán) như thư điện tử, điện thoại đặt hàng, catalog sản phẩm, dịch vụ.
Ưu điểm của công cụ truyền thông marketing tích hợp này chính là sự thuận tiện dành cho khách hàng. Cụ thể, họ có thể tự mình chọn lựa, đặt hàng mà không phải chịu sự can thiệp trực tiếp từ một ai đó. Điều này được người tiêu dùng đánh giá cao vì cảm thấy không bị làm phiền, thúc ép.
Marketing tương tác (Interactive Marketing)
Phương tiện truyền thông mang tính tương tác cho phép thông tin được truyền qua lại một cách dễ dàng, do vậy, khách hàng có thể tham gia và tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng và kịp thời hơn.
Không giống các hình thức truyền thông truyền thống như quảng cáo về bản chất là thông tin một chiều, marketing tương tác cho phép khách hàng thực hiện một loạt các chức năng như nhận và biến đổi thông tin, hình ảnh, đưa ra các câu hỏi, phản hồi các câu hỏi, thực hiện giao dịch mua bán.
Khuyến mãi (Sale/Promotion)
Khuyến mãi là một chiêu thức thu hút sự chú ý cao độ từ cả khách hàng mục tiêu và người dùng tiềm năng. Chúng là hoạt động diễn ra trong một thời gian ngắn hạn, bằng cách tạo ra chiến dịch giảm giá, tặng hàng, miễn phí trải nghiệm cho người dùng để kích thích nhu cầu mua sắm của họ.
Những yêu cầu khi thực hiện Truyền thông marketing tích hợp
Truyền thông marketing tích hợp hiệu quả nhưng cần được xây dựng theo kế hoạch bài bản, chặt chẽ. Để làm marketing tích hợp tốt, doanh nghiệp cần xác định và làm rõ những vấn đề sau:
- Xác định chính xác mục tiêu truyền thông, giúp cho chiến dịch không bị “lạc hướng” trong quá trình thực hiện.
- Xác định nhóm khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ càng tốt.
- Tìm – nắm bắt được insight khách hàng, thường xuyên khảo sát, cập nhật insight thường xuyên.
- Tạo ra Big Idea – ý tưởng chủ đạo của chiến dịch để tác động đúng và gây ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể bao gồm: thời gian, ngân sách, phân bổ nguồn lực trên từng kênh, kết hợp các hoạt động bổ trợ vào lúc nào…
- Liên tục đánh giá, đo lường hiệu quả và có sự định hướng, thay đổi khi cần thiết.
Truyền thông marketing tích hợp là hoạt động truyền thông đem lại những thành tựu nổi bật cho doanh nghiệp khi được sử dụng đúng và đủ. Quá trình nghiên cứu, thực hiện, theo dõi, đánh giá hiệu quả, xử lý khủng hoảng… sẽ giúp tối ưu hoạt động Marketing truyền thông tốt hơn.
Huyền Vi