Từ ngày 16/9 sắp tới, các nhà mạng viễn thông trong nước sẽ không còn hỗ trợ các thiết bị chỉ sử dụng công nghệ 2G Only. Chính vì thế, để đảm bảo duy trì liên lạc, bắt buộc người dùng phải đổi điện thoại từ 2G lên 4G. Bên cạnh các smartphone giá rẻ, những chiếc điện thoại phím bấm (hay còn gọi là “cục gạch”) 4G cũng được người dùng lựa chọn rất nhiều. Điều này đã dẫn đến việc khan hàng các dòng sản phẩm này.
Trong khi thị trường có sẵn nhiều lựa chọn smartphone 4G với giá rẻ, một bộ phận không nhỏ người dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng lớn tuổi, vẫn trung thành với điện thoại cơ bản truyền thống. Các model này dù không sở hữu những tính năng hiện đại, hấp dẫn, chỉ phục vụ nhu cầu nghe gọi nhưng có ưu điểm là phím bấm lớn, thời lượng pin bền nên vẫn được ưa chuộng.
Theo thống kê của hệ thống Hoàng Hà Mobile, khi đổi máy từ 2G lên thiết bị có sử dụng 4G, có tới 70% người dùng vẫn lựa chọn điện thoại cơ bản, chủ yếu trong tầm giá 400.000 đồng với 600.000 đồng. "Chỉ có khoảng 20% chọn đổi sang smartphone có 4G nhưng tầm giá dưới 2 triệu đồng, còn 10% sẽ nâng cấp lên điện thoại thông minh ở tầm giá 2 triệu tới 5 triệu đồng. Các thương hiệu điện thoại cơ bản, có phím bấm phổ biến hiện nay gồm Nokia, Mobell, Masstel, Itel", bà Hoàng Minh Tâm - đại diện truyền thông của đơn vị chia sẻ.
Trên website của Thế Giới Di Động, những mẫu "cục gạch" có 4G hoặc smartphone giá rẻ hiện chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng, không bán online. Tuy nhiên ở nhiều khu vực, danh sách cửa hàng có sẵn máy không nhiều.
Theo ông Trần Đức Tín, Giám đốc ngành hàng Viễn thông di động, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, hiện nay, khi người dân tiến hành chuyển đổi những chiếc điện thoại “cục gạch” 2G lên 4G, thì 90-95% họ vẫn lựa chọn điện thoại phím bấm. Điều này đã dẫn đến các hệ thống bán lẻ trong nước thiếu hàng trầm trọng các dòng sản phẩm thuộc phân khúc này để đáp ứng nhu cầu.
Hiện doanh số bán ra tại Thế Giới Di Động dòng điện thoại phím bấm tăng 10-15 lần, với số lượng bán ra hàng tháng từ 300.000 – 400.000 máy. Mặc dù công ty đã tăng cường thêm hàng, tuy nhiên các hãng sản xuất điện thoại di động vẫn không cung cấp đủ. Nguyên nhân được ông Trần Đức Tín đưa ra, do các hãng hoàn toàn bị động trong câu chuyện tắt sóng 2G lần này, nên đã không mạnh tay và chủ yếu chờ vào tình hình của thị trường mới đưa ra phản ứng.
Tương tự, tại hệ thống CellphoneS, đầu tháng 8, doanh số dòng điện thoại có phím bấm ở mức giá dưới 1,5 triệu đồng tăng gấp 4-5 lần so với cùng kỳ tháng trước, ghi nhận cháy hàng cục bộ tại một số khu vực.
Để hỗ trợ người dân chuyển sang điện thoại 4G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, đề nghị các nhà mạng hỗ trợ người dân, đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Việc chuyển đổi sang 4G giúp người dân có thể trải nghiệm dịch vụ tốt hơn.
Một trong những giải pháp được Bộ TT&TT đưa ra khi hỗ trợ các thuê bao chuyển đổi từ 2G lên 4G đó là khuyến khích người dân chuyển đổi lên smartphone, thay vì chuyển đổi sang các điện thoại phím bấm. Bởi việc chuyển đổi lên smartphone là cơ hội để người dùng trải nghiệm dịch vụ mới. Người sử dụng có thể vào mạng, sử dụng dịch vụ hành chính công của Nhà nước từ ứng dụng trên smartphone thay vì vào website. Đây là cơ hội để người dân tiếp cận dịch vụ số, dần dần hình thành xã hội số, với mục tiêu tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận công nghệ mới.
Bộ cũng đã làm việc với UBND các tỉnh, thành phố đề xuất sử dụng nguồn vốn, tài trợ hợp pháp trên địa bàn để phối hợp với nhà mạng thúc đẩy người dân chuyển đổi.
Quang Anh (T/h)