Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2024, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính đạt 2,83 tỷ USD (tăng 29,2%). Xuất khẩu lâm sản đạt 1,39 tỷ USD (tăng 18,6%). Xuất khẩu chăn nuôi đạt 40,8 triệu USD (tăng 5,9%). Riêng xuất khẩu thủy sản đạt 730 triệu USD (giảm nhẹ 1,5%).
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm 2024 đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc chiếm 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2024, các cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn vẫn là những cửa khẩu có hoạt động biên mậu sôi động nhất, đã làm thủ tục thông quan cho hơn 5.300 phương tiện, trong đó có hơn 2.100 phương tiện chở trái cây xuất khẩu. Tổng trọng lượng nông sản xuất nhập khẩu khoảng 55.790 tấn.
Cùng với đó, Trung tâm Quản lý cửa khẩu và các lực lượng chức năng tại tỉnh Lạng Sơn đã chủ động thông báo thời gian thông quan, triển khai cán bộ trực 24/24 và phân luồng phương tiện để đảm bảo thông suốt hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới gặp khó khăn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động ngoại thương của Việt Nam, thì xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng sang thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục là điểm sáng.
Đáng chú ý ngày 2/5/2024, đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên xuất phát từ ga Cao Xá, tỉnh Hải Dương đã chính thức khai trương tuyến vận tải liên vận quốc tế. Sự kiện này đánh dấu ga Cao Xá trở thành ga hàng hóa trong mạng lưới vận tải đường sắt, tham gia vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế.
Sau lễ khai trương, đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm, sữa đã khởi hành đến ga Yên Viên để kết nối với các đoàn tàu liên vận quốc tế xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý II hàng năm, sản lượng trái cây cả nước ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, còn có hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng cho thu hoạch. Nguồn cung trái cây rất dồi dào gây áp lực lớn về tiêu thụ, dẫn đến giá nhiều loại giảm.
Do đó, việc tạo điều kiện thuận lợi thông quan tại cửa khẩu, khai thông dòng chảy vận chuyển, trong đó có tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế sẽ góp phần giảm giá thành vận chuyển, thúc đẩy xuất khẩu nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung của Việt Nam sang Trung Quốc.
Ngoài ra, để giữ đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các khu vực Bắc và Đông Bắc có nhiều tiềm năng.
H.M (t/h)