Trình duyệt Cốc Cốc đứng thứ hai về thị phần tại Việt Nam. |
Theo báo cáo The Connected Consumer trong quý III/2024 do Decision Lab công bố, trình duyệt web của Việt Nam - Cốc Cốc đã khẳng định vị thế vững chắc của mình với tư cách là một trình duyệt nội địa khi xếp thứ hai về lượng người dùng trên PC, đạt tỷ lệ người dùng là 59% (59% đáp viên cho biết có sử dụng Cốc Cốc) chỉ sau Google Chrome (83%) và vượt xa các trình duyệt khác (chưa đến 30%).
Khảo sát được Decision Lab - công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại TP. HCM và đối tác của YouGov, thực hiện. Cốc Cốc là trình duyệt Việt Nam duy nhất nằm trong top 10 về tỷ lệ thâm nhập, đồng thời cũng là sản phẩm hiếm hoi không phải trình duyệt mặc định của thiết bị, nằm trong danh sách.
Kết quả khảo sát của Decision Lab lý giải, sự ưu việt về các tính năng như tải video nhanh chóng, chặn quảng cáo, và duyệt web an toàn đã giúp Cốc Cốc chiếm được cảm tình của người dùng trong nước. Cụ thể, theo đánh giá của những người có sử dụng trình duyệt Cốc Cốc, 56% người dùng PC yêu thích tính năng tải video, 51% đánh giá cao khả năng duyệt web an toàn và 45% ưa chuộng tính năng chặn quảng cáo.
Trên di động, trình duyệt Việt đứng vị trí thứ ba với 21%, sau Chrome (75%) và Safari (30%), cao hơn Samsung Internet (15). Chỉ số NPS của Cốc Cốc trên di động đạt 66%, hơn mức 65% của đối thủ từ Google. Trên thiết bị di động, người dùng cũng thể hiện sự yêu thích mạnh mẽ đối với tính năng chặn quảng cáo (58%) và khả năng duyệt web an toàn (56%). Đáng chú ý, 51% người dùng di động bình chọn cho thanh công cụ đa phương tiện.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hiện nay, thay vì chỉ sử dụng một trình duyệt duy nhất, người dùng đang dần có nhiều lựa chọn đa dạng hơn khi lướt web. Trung bình, mỗi người sử dụng hai ứng dụng trên cả PC và di động. Google Chrome dẫn đầu là trình duyệt phổ biến nhất, được ưa chuộng bởi 64% người dùng PC và 62% người dùng di động, tiếp theo đó là Cốc Cốc đứng thứ hai trên PC với 23% và xếp thứ ba trên di động với 9%.
Nghiên cứu từ Decision Lab cũng xem xét chỉ số NPS - phản ánh mức độ sẵn lòng của khách hàng trong việc tiếp tục sử dụng và giới thiệu tới người khác - của các trình duyệt đang hoạt động tại Việt Nam. Về chỉ số này, Cốc Cốc đạt 53 điểm trên PC, đứng vững vị trí thứ hai sau Chrome.
“Thú vị hơn là, mặc dù có lượng sử dụng trên thiết bị di động thấp hơn so với Chrome và Safari, Cốc Cốc lại có điểm NPS cao nhất là 66 trên thiết bị di động. Điều này minh chứng cho sự tín nhiệm mà người dùng dành cho Cốc Cốc, đặc biệt là trên di động” - báo cáo đánh giá.
Cốc Cốc ra đời năm 2013, sử dụng nền tảng mã nguồn mở Chromium tương tự Google Chrome, Edge và Opera.
Số liệu từ báo cáo cũng chỉ ra xu hướng của người dùng thường xuyên theo các nhóm tuổi, Gen Z cho thấy họ ưa chuộng Cốc Cốc hơn so với các thế hệ khác. Cụ thể, trong khi tỷ lệ sử dụng Google Chrome trên PC của Gen Z chỉ đạt 57%, thấp hơn Gen X (67%) và Gen Y (66%) thì tỷ lệ Gen Z sử dụng Cốc Cốc chiếm 27% trên PC và 17% trên di động, cao hơn so với tỷ lệ của thế hệ X (20% trên PC, 6% trên di động) và Y (22% trên PC, 8% trên di động).
Ông Thue Quist Thomasen - CEO của Decision Lab nhận xét: "Khả năng đổi mới và cung cấp các tính năng lấy người dùng làm trung tâm đã giúp Cốc Cốc nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các đối thủ toàn cầu. Xu hướng này cho thấy tiềm năng của Cốc Cốc trong việc thu hút nhóm người dùng trẻ, am hiểu công nghệ".
Trước đó, theo ghi nhận từ báo cáo họp giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông, quý 3/2024, Cốc Cốc đạt số lượng trung bình hơn 30,6 triệu người dùng, tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng công cụ tìm kiếm Cốc Cốc thu hút hơn 600 triệu lượt truy vấn hàng tháng.
Ngoài trình duyệt, báo cáo của Decision Lab cũng cung cấp thông tin về một số nhóm ngành khác, cho thấy các nền tảng từ Việt Nam đang dần thu hẹp khoảng cách với quốc tế. Ví dụ ở nhu cầu đọc tin tức, người dùng có xu hướng gia tăng trở lại việc đọc từ website, ứng dụng Việt với tỷ lệ 28%, tương đương mức 29% của việc đọc tin từ Facebook. Zalo xếp trên Messenger ở hạng mục ứng dụng nhắn tin, với tỷ lệ thâm nhập 85% và tỷ lệ dùng thường xuyên 57%. Ở mảng gọi taxi, XanhSM tăng trưởng 7% lên mức 25%, trong khi GrabCar tăng 1% lên 47%. Ở mảng tài chính số, MoMo dẫn đầu với tỷ lệ 43%.