“Trải thảm đỏ” mời doanh nghiệp Singapore đầu tư tại TP Thủ Đức

05:04 09/01/2021

Singapore hiện đứng vị trí số một trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh với hơn 11 tỷ USD và 1.370 dự án.

Với việc thành lập TP Thủ Đức, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư các trung tâm chức năng như Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm công nghệ sinh thái, Khu đô thị Trường Thọ...

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong tặng quà lưu niệm bà Catherine Wong - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong tặng quà lưu niệm bà Catherine Wong - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam.

Mới đây, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong vừa có buổi tiếp bà Catherine Wong - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, Singapore hiện đứng vị trí số một trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh với hơn 11 tỷ USD và 1.370 dự án.

Đồng thời ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh rằng, với việc thành lập TP Thủ Đức, chính quyền TP Hồ Chí Minh hiện đang ưu tiên kêu gọi đầu tư các trung tâm chức năng. Cụ thể gồm có: Trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái; Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm logistics; Khu đô thị Trường Thọ.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong bày tỏ mong muốn Đại sứ Singapore sẽ chuyển lời mời của TP Hồ Chí Minh đến các doanh nghiệp Singapore đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam - bà Catherine Wong cho biết, sẽ tiếp tục làm cầu nối kêu gọi các doanh nghiệp Singapore đến đầu tư vào các lĩnh vực mà TP Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức quan tâm.

Được biết, Singapore là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam – Singapore tăng theo từng năm.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào ngày 9/8/1992 bởi một nhóm nhỏ người Singapore đang kinh doanh hoặc làm việc tại Việt Nam.

Chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng và tìm kiếm các cơ hội để đưa TP. Thủ Đức trở thành điểm cực tăng trưởng  kinh tế mới

Chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng và tìm kiếm các cơ hội để đưa TP. Thủ Đức trở thành điểm cực tăng trưởng kinh tế mới. (Ảnh minh hoạ)

Với các mục tiêu cụ thể như thúc đẩy quan hệ kinh doanh giữa các thành viên cũng như với các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài và Hiệp hội doanh nghiệp; Kết nối các thành viên với các đơn vị kinh doanh khác, Hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền; Thu thập và phổ biến thông tin và pháp luật có liên quan đến các thành viên; Tổ chức các hội thảo và đối thoại về các chủ đề định hướng kinh doanh có liên quan đến các thành viên; Hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong việc tìm kiếm phản hồi của thành viên về luật pháp, quy định và thủ tục liên quan để tăng cường sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh của Việt Nam... Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam đã phát triển từ một câu lạc bộ xã hội với 30 thành viên và thành một Hiệp hội hàng đầu với hơn 300 thành viên và đang tiếp tục phát triển.

Song song với việc tổ chức các sự kiện hàng tháng giữa các cộng đồng doanh nghiệp khác nhau, các hội thảo về luật và chủ đề liên quan đến kinh doanh khác, SBG cũng thực hiện những dự án từ thiện để giúp đỡ những người kém may mắn tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh.

Nghị quyết nêu rõ: “Thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2; toàn bộ 113,97km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 và toàn bộ 47,80km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56km2 diện tích tự nhiên và qui mô dân số 1.013.795 người”.

Cũng trong nỗ lực xây dựng và tìm kiếm các cơ hội để đưa TP Thủ Đức trở thành điểm cực tăng trưởng mới, dẫn dắt kinh tế của TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngày 6/1, Văn phòng UBND Thành phố đã có Công văn khẩn truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông.

Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố giao giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo về xây dựng dự án, trình UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt. Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch đối với TP Thủ Đức;

Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tiếp tục đề xuất danh mục các dự án cần đầu tư trong Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông; đối với các dự án nào đã xác định được cụ thể thì cần tiến hành kêu gọi đầu tư, trong đó các dự án trong Khu công nghệ cao vẫn tiếp tục vận hành; Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, quản lý chặt chẽ các quỹ đất do nhà nước quản lý trên địa bàn 3 quận 2, 9, quận Thủ Đức (cũ) sáp nhập thành TP Thủ Đức để có cơ sở quản lý liên tục và ràng buộc trách nhiệm các đơn vị có liên quan.

Trần Linh