Việc “kết thúc hoạt động cấp huyện” không chỉ là một thay đổi về mặt tổ chức hành chính, mà là bước đột phá trong cải cách bộ máy nhà nước, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ đô thị hóa nhanh, phát triển bền vững và hiện đại hóa nền hành chính công. Đây là tiền đề để xây dựng chính quyền đô thị năng động, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn.
![]() |
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ 20( mở rộng), khóa XII, nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện Bình Chánh |
Việc chấm dứt hoạt động cấp huyện không có nghĩa là "xóa bỏ" bộ máy quản lý, mà là chuyển đổi mô hình tổ chức hành chính từ: Cấp Huyện chuyển thành Cấp Xã, đây là sự nâng cấp toàn diện về tổ chức, chức năng, quyền hạn và phương thức vận hành của bộ máy nhà nước tại địa phương.
Trao đổi với phóng viên về bước chuyển lớn lần này, ông Nguyễn Thanh Nhã – Bí thư Huyện ủy Bình Chánh – nhấn mạnh: "Đây là quyết tâm chính trị, là sự đổi mới cần thiết vì lợi ích của dân và phục vụ vì lợi ích thiết thực của cộng đồng. Việc kết thúc tổ chức chính quyền cấp huyện không phải là sự kết thúc đơn thuần về mô hình, mà là sự đổi mới cần thiết để nâng cấp bộ máy hành chính, từ đó phục vụ người dân tốt hơn, chuyên nghiệp hơn”.
Ông Nhã cũng cho biết thêm, hơn 400 cán bộ, công chức cấp huyện đã được đào tạo lại, điều chuyển phù hợp với vị trí mới. Các xã sau khi được nâng cấp sẽ tiếp nhận vai trò điều hành trực tiếp, rút ngắn thời gian giải quyết công việc hành chính và giảm phiền hà cho người dân.
Việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy không chỉ tăng cường tính chủ động, linh hoạt cho địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, mà còn tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các lực lượng thanh tra và quản lý đô thị, góp phần xây dựng bộ máy quản lý nhà nước thống nhất, hiệu quả, sát dân và sát thực tế.
Theo quyết định được UBND TP.Hồ Chí Minh công bố, việc chấm dứt hoạt động của cấp huyện đối với huyện Bình Chánh không chỉ là một sự kiện hành chính đơn thuần, mà là bước đi quan trọng trong kế hoạch tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hướng đến mục tiêu giảm tầng nấc trung gian, phân cấp mạnh cho cơ sở và tăng cường sự phối hợp dọc – ngang giữa địa phương và các sở, ngành. Trong đó: Các phòng ban chuyên môn cấp huyện như: Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin, Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị,…sẽ được chuyển giao nhiệm vụ về cấp xã, đồng thời phối hợp trực tiếp với các sở chuyên ngành của thành phố để triển khai công tác chuyên môn một cách thống nhất, xuyên suốt.
UBND TP. Hồ Chí Minh đã thành lập các tổ công tác liên ngành trong giai đoạn chuyển tiếp để đảm bảo tính liên tục hoạt động quản lý hành chính trên địa bàn để không gián đoạn trong cung ứng dịch vụ công và đảm bảo việc xử lý hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp được thực hiện kịp thời, minh bạch.
Đây là mô hình tổ chức hướng tới chính quyền đô thị năng động, loại bỏ tình trạng trung gian hành chính kém hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho cấp cơ sở được phân quyền, phân cấp nhiều hơn, nâng cao năng lực phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
![]() |
Cán bộ chủ chốt huyện, nguyên lãnh đạo Huyện qua các thời kỳ dự góp ý sắp xếp đơn vị hành chính |
Hiện nay, huyện Bình Chánh có tổng cộng 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 1 thị trấn. Trước yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy hành chính, huyện đã đề xuất phương án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, giảm từ 16 xuống còn 07 xã, theo mô hình chính quyền hai cấp (TP – xã), gồm các xã: Vĩnh Lộc, Tân Vĩnh Lộc, Bình Lợi, Tân Nhựt, Bình Chánh, Hưng Long, Bình Hưng; giảm khoảng 56% số đơn vị hành chính cấp cơ sở.
Để đảm bảo không quá tải trong vận hành tại các xã sau sắp xếp – nhất là những xã có quy mô dân cư đặc biệt lớn như Vĩnh Lộc A (nay là xã Vĩnh Lộc) – huyện đã có kế hoạch tăng cường biên chế, đầu tư hạ tầng và công nghệ hành chính. Cụ thể: Xã Vĩnh Lộc A đã được bổ sung thêm 15 biên chế, nâng tổng số lên khoảng 51 người, phục vụ quản lý và cung ứng dịch vụ hành chính cho hơn 150.000 dân.
Phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã tại huyện Bình Chánh là một bước đi căn cơ, chiến lược và phù hợp với thực tiễn đô thị hóa hiện nay.
Việc lắng nghe và phản hồi dư luận một cách kịp thời, linh hoạt chính là yếu tố then chốt để giữ vững niềm tin xã hội, đồng thời tạo nên một môi trường hành chính công khai, hiện đại, gần dân và phục vụ thực chất.
Trong giai đoạn đầu, để bảo đảm sự chuyển tiếp hành chính ổn định, không gián đoạn, toàn bộ đội ngũ cán bộ hành chính cấp huyện sẽ được giữ nguyên, đồng thời chuyển vị trí công tác phù hợp theo mô hình tổ chức mới, tổ chức đào tạo lại theo hướng đa nhiệm – chuyên sâu, tăng cường kỹ năng phục vụ theo mô hình chính quyền đô thị hiện đại. Đây là giải pháp quan trọng để bảo đảm tính liên tục trong cung ứng dịch vụ công, duy trì niềm tin của người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi
Cải cách hành chính là điều kiện tiên quyết cho đô thị hóa bền vững, việc tái cấu trúc bộ máy hành chính, tinh gọn cấp huyện, không đơn thuần là một quyết định tổ chức, mà là minh chứng rõ ràng cho tư duy quản lý đổi mới của TP.Hồ Chí Minh. Khẳng định: Chính quyền đô thị phải linh hoạt, gọn nhẹ, đa năng, hiệu quả phục vụ người dân là thước đo cốt lõi và mỗi cấp hành chính cần thích ứng với thực tế phát triển đô thị thay vì bám chặt mô hình truyền thống. Tổ chức thực hiện theo phương châm “Đặt người dân làm trung tâm phục vụ, bộ máy hành chính phải luôn chuyển động, đổi mới và thích nghi".