Tính đến cuối tháng 4, cả 3 ngân hàng quốc doanh đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán gồm Vietcombank, BIDV và VietinBank đều đã công bố báo cáo tài chính quý I với khoản lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022.
Trước hết là Vietcombank duy trì vị thế lợi nhuận cao nhất hệ thống với 11.221 tỷ đồng trước thuế, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính của Vietcombank vẫn đến từ hoạt động cho vay với thu nhập lãi thuần đạt 14.203 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Ngược lại, hoạt động dịch vụ quý I của ngân hàng lại ghi nhận tăng trưởng âm với mức 1.456 tỷ đồng (-46%). Trong khi đó, các mảng kinh doanh ngoài tín dụng khác đều ghi nhận tăng trưởng dương trong quý vừa qua với hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 12%, mang về 1.706 tỷ; mua bán chứng khoán kinh doanh mang về 30 tỷ (+82%); lãi thuần từ hoạt động khác đạt 1.083 tỷ (+124%) và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đạt 40 tỷ đồng (+61%).
Tính chung quý I, Vietcombank ghi nhận hơn 18.500 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong khi chi phí hoạt động tăng mạnh hơn (+17%) thì chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm (-11%), giúp Vietcombank thu về khoản lợi nhuận trên chục nghìn tỷ đồng.
Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp mà ngân hàng này thu về khoản lãi trên 10.000 tỷ đồng. Nếu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản lãi ròng nhà băng này thu về quý vừa qua cũng là 8.992 tỷ đồng, tăng 13%.
Đối với báo cáo tài chính của BIDV, ngân hàng này đã ghi nhận gần 17.300 tỷ đồng tổng thu nhập sau 3 tháng đầu năm, tăng 6% so với cùng kỳ. Đóng góp chính trong số này cũng là hoạt động cho vay với thu nhập lãi thuần đạt 13.936 tỷ (+9%), chiếm 81% tổng thu nhập quý.
Các mảng kinh doanh ngoài cho vay của BIDV cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực trong quý vừa qua với hoạt động dịch vụ đạt 1.517 tỷ (+19%); kinh doanh ngoại hối mang về 673 tỷ (+15%); mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 66 tỷ (cùng kỳ lỗ 2 tỷ) và thu từ góp vốn mua cổ phần đạt 110 tỷ đồng (+33%).
Trong quý vừa qua, chỉ có hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động khác của BIDV là ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ nhưng vẫn mang về xấp xỉ 1.000 tỷ đồng lãi thuần. Khi chi phí hoạt động tăng cao hơn (+12%), BIDV vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh nhờ tiết giảm đáng kể chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Theo đó, quý I năm nay, BIDV đã chi ra hơn 5.527 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm ròng gần 1.900 tỷ. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp BIDV thu về khoản lãi trước thuế 6.920 tỷ đồng quý I, tăng tới 53% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà ngân hàng này từng thu về được trong một quý kinh doanh. Đồng thời, giúp BIDV có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất nhóm ngân hàng quốc doanh.
Về phía VietinBank, kết thúc quý đầu năm, nhà băng này ghi nhận hơn 17.000 tỷ đồng tổng thu nhập và báo lãi trước thuế 5.980 tỷ, tăng lần lượt 21% và 3%.
Tương tự Vietcombank và BIDV, tăng trưởng doanh thu của VietinBank cũng được hỗ trợ chính từ hoạt động cho vay với thu nhập lãi thuần đạt 12.666 tỷ đồng, tăng 25%. Các mảng kinh doanh ngoài tín dụng như dịch vụ, ngoại hối, chứng khoán đầu tư của nhà băng này đều ghi nhận tăng trưởng hai con số.
Nguyên nhân khiến VietinBank chỉ ghi nhận tăng trưởng một con số ở chỉ tiêu lợi nhuận quý I chính là việc phải trích lập gần 6.724 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả kinh doanh kể trên, bộ ba ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV và VietinBank đã ghi nhận tổng cộng 24.121 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý đầu năm, tăng 19% so với cùng kỳ 2022 và là năm đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD.
Ngoài 3 ngân hàng quốc doanh trên, theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố, Agribank là Ngân hàng đứng đầu về kết quả giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng với tổng số tiền lãi đã giảm là 5.512 tỷ đồng, số dư nợ được giảm lãi suất là gần 1,4 triệu tỷ đồng cho gần 3,5 triệu khách hàng.
Cùng với đó, Ngân hàng đã chủ động miễn giảm các loại phí dịch vụ và lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với quy mô 300.000 tỷ đồng và 300 triệu USD. Nếu tính cả 700 tỷ đồng giảm lãi của các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi và 902 tỷ đồng giảm do áp dụng chính sách miễn giảm phí, năm 2021, Agribank đã hi sinh khoảng 7.100 tỷ đồng lợi nhuận hỗ trợ khách hàng.
Ngay trong Quý I/2022, Agribank tiếp tục dành 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp lớn, lãi suất chỉ từ 4,0%/năm. Những giải pháp này được các chuyên gia đánh giá là “đòn bẩy” tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
P.V (t/h)