Tìm hướng đi mới cho Làng nghề truyền thống nhờ thương mại điện tử

21:37 04/07/2022

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 khiến các làng nghề truyền thống phải gánh chịu không ít những tác động tiêu cực. Vượt lên khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất đã chủ động tiếp cận khách hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Hiện nay, xu thế hội nhập quốc tế, đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, đưa các mặt hàng của làng nghề truyền thống vươn xa, không chỉ trong nước mà còn ra thị trường thế giới.

Thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ) là một ví dụ điển hình về việc chủ động phát triển thương mại điện tử để có thêm những hợp đồng mới, đưa sản phẩm chiếm lĩnh thị trường. Trước kia, sản phẩm thịt chua Thanh Sơn  chỉ tập trung phân phối vào hệ thống các siêu thị và các kênh phân phối bán lẻ trong địa bàn tỉnh nên hiệu quả kinh doanh chưa cao. Nhưng từ khi đưa sản phẩm lên internet, doanh số tăng, trở nên sản phẩm nổi tiếng khắp cả nước.

Ảnh minh họa
Hiện nay Thương mại điện tử đã và đang trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, đưa các mặt hàng của làng nghề truyền thống vươn xa đến với người tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gốm sứ tại xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội, xây dựng TMĐT nhằm xúc tiến tìm kiếm đơn đặt hàng, mở rộng thị trường cho gốm Việt nói chung và gốm Bát Tràng nói riêng. Đến thời điểm hiện tại, làng gốm Bát Tràng, nhà nhà đều kinh doanh online. Nhiều đơn vị bán buôn ở các tỉnh khác biết đến dòng sản phẩm mới của Bát Tràng thông qua website và mạng xã hội. Cũng nhờ đó, gốm sứ Bát Tràng nhiều năm qua đã xuất khẩu mạnh sang không ít nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, EU...

Việc các làng nghề Việt Nam dựa trên các điều kiện thực tế để giới thiệu sản phẩm, bán hàng, kể cả thanh toán qua hệ thống TMĐT đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và phát triển tinh hoa làng nghề truyền thống, ngành nghề mới, qua đó đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững. TMĐT không những giúp mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, tạo động lực cho người làm nghề không ngừng sáng tạo, khẳng định giá trị sản phẩm mà nó còn giúp thương hiệu làng nghề tiến xa hơn trên thị trường.

Ảnh minh họa
Thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ) nhờ chủ động phát triển thương mại điện tử để có thêm những hợp đồng mới, đưa sản phẩm chiếm lĩnh thị trường trong và ngoà nước.

Thành lập năm 2016 trên cơ sở những gia đình làm mỳ gạo truyền thống của xã Hùng Lô, TP Việt Trì, chỉ sau 5 năm hoạt động, HTX Mỳ gạo Hùng Lô với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất mỳ gạo, bún khô, phở khô… đã xây dựng được thương hiệu của mình. Những ngày đầu, HTX Mỳ gạo Hùng Lô chủ yếu sản suất theo hình thức thủ công, nhỏ lẻ, sản lượng chỉ đạt từ 8-10 tấn/tháng, chất lượng chưa đồng đều và chỉ tiêu thụ tại địa phương.

Một số làng nghề hiện nay còn tổ chức mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm. Đơn cử như cách làm của Hiệp hội Gỗ Đồng Kỵ, đơn vị này đã thành lập các nhóm bán hàng trên mạng xã hội như Zalo, Facebook… liên kết gần 200 hộ gia đình. Thành viên của nhóm bao gồm các hộ gia đình chuyên cung cấp nguyên liệu, sản xuất và kinh doanh thương mại.

Thông qua nhóm này, các thành viên chủ động tìm được nguồn nguyên liệu sản xuất, giới thiệu các mặt hàng do chính các hộ sản xuất. Với những dữ liệu trong nhóm, các hộ chuyên làm thương mại sẽ tập trung quảng cáo, kết nối với người mua có nhu cầu. Các hộ kinh doanh còn tận dụng dựa trên các nền tảng công nghệ để tư vấn, bán hàng trực tuyến.

Giới thiệu sản phẩm qua mạng điện tử, kể cả bán hàng, thanh toán qua hệ thống thương mại điện tử đang dần trở thành xu thế tất yếu. Do đó, việc ứng dụng TMĐT cho các sản phẩm làng nghề sẽ trở thành kênh quảng bá hiệu quả cao. Điểm mấu chốt của TMĐT là người bán hàng phải tạo dựng niềm tin cho khách hàng, chất lượng sản phẩm đạt được như quảng cáo.

Vũ Tiến