Hãng tin Bloomberg News ngày 7/6 dẫn các nguồn tin thân cận cho biết TikTok thuộc sở hữu của ByteDance hy vọng có thể tăng gấp bốn lần quy mô hoạt động thương mại điện tử trên toàn thế giới lên tới 20 tỷ USD doanh thu hàng hóa trong năm nay, nhờ vào sự tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á.
Trong năm 2022, TikTok đã thu về 4,4 tỷ USD doanh thu hàng hóa thông qua nền tảng trực tuyến TikTok Shop của mình. Thông tin cho biết TikTok đang đặt cược vào các thị trường như Indonesia.
Nền tảng thương mại điện tử của TikTok cho phép khách hàng mua hàng hóa thông qua các liên kết trên ứng dụng trong khi phát sóng trực tiếp.
Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc phải đối mặt với sự giám sát từ cơ quan quản lý do lo ngại về vấn đề sử dụng ứng dụng này để thu thập dữ liệu người dùng.
TikTok cũng đang làm việc để mở rộng doanh số bán hàng tại Mỹ và châu Âu.
Tờ Financial Times đã đưa tin vào năm 2022, TikTok sẽ hợp tác với TalkShopLive có trụ sở tại Los Angeles để ra mắt nền tảng mua sắm trực tiếp ở Bắc Mỹ bằng cách thuê ngoài các hoạt động của mình.
ByteDance được thành lập từ hơn 1 thập kỷ trước bởi Zhang Yiming và Liang Rubo – phát triển thành một công ty dẫn đầu ngành internet trị giá 200 tỷ USD nhờ vào nền tảng video ngắn nổi tiếng TikTok và Douyin. Trên thực tế, mua sắm trực tuyến chưa trở nên phổ biến ở Mỹ và châu Âu mặc cho những nỗ lực thay đổi thói quen từ Instagram và những ứng dụng khác. Tuy nhiên, TikTok đang dựa vào dự đoán trên thành công họ đã đạt được ở Trung Quốc.
TikTok Shop cho phép người dùng mua các mặt hàng khi lướt qua nguồn cấp dữ liệu vô tận gồm các video ngắn và phát trực tiếp trong ứng dụng truyền thông xã hội chính của mình, hy vọng người tiêu dùng sử dụng như một giải pháp thay thế cho Shopee và Amazon.com. Định dạng đó - kết hợp giải trí với mua sắm - đã giúp Douyin giành lấy một phần lớn chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc từ Alibaba và JD.com, đặc biệt là sau khi các quy tắc phong tỏa trong đại dịch khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn cho trực tuyến.
PV