Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện chỉ có 4 ông lớn gồm: Lazada, Shopee, Sendo và Tiki. Việc không có các tập đoàn mạnh đứng sau “chống lưng” khiến cho cả Sendo và Tiki có cơ cấu cổ đông phân mảnh và liên lục phải tìm kiếm các vòng gọi vốn để có tiền hoạt động cũng như chạy đua trong cuộc chơi thương mại điện tử.
Cả 2 trang thương mại điện tử này đều được đánh giá là có tiềm năng trở thành kỳ lân công nghệ (start-up có định giá trên 1 tỷ USD) tiếp theo của Việt Nam sau VNG.
Lý giải nguyên nhân
Ngay sau khi thông tin này được lan truyền rộng rãi dù chưa chính thức nhưng nhiều câu hỏi đã được đặt ra phải chăng thị trường thương mại điện tử quá khắc nghiệt khiến 2 "ông lớn" này muốn về chung một nhà?
Lâu nay, ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn được ví von là "cuộc đua đốt tiền" của các "ông lớn" bởi biên lợi nhuận vô cùng thấp. Nhiều doanh nghiệp đang phải gánh khoản lỗ lớn, thậm chí một số đã phải rút lui, đơn cư như trang thương mại điện tử Adayroi hay gần hơn là trang thương mại điện tử dành cho thời trang cao cấp LeFlair.
Tính đến cuối năm 2018, tổng lỗ luỹ kế của Tiki là gần 1.400 tỷ đồng còn Sendo lỗ 1.300 tỷ đồng. So với Shopee, Lazada thì mức lỗ này có vẻ nhẹ nhàng hơn nhưng Tiki và Sendo lại không có nguồn tài chính dồi dào, thường xuyên phải thực hiện các vòng gói vốn mới để bổ sung dòng tiền kinh doanh, đặc biệt là đối với Tiki.
Gần đây nhất, hồi tháng 3/2019, Tiki đã thu hút được khoản đầu tư 75 triệu USD của Northstar Group. Tuy nhiên, công ty này vẫn tiếp tục các vòng gọi vốn khác, được cho là lên đến 100 triệu USD; Sendo cũng vừa nhận khoản đầu tư 61 triệu USD từ năm ngoái.
Trong khi phải liên tục gọi vốn để phát triển thì 2 sàn điện tử này lại tiếp tục gặp khó khăn với nguồn vốn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), tác động của dịch bệnh Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 3.000 tỷ USD khiến việc gọi vốn cho các doanh nghiệp công nghệ càng khó hơn.
Hiện, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bị áp đảo bởi Shopee với 1 triệu đơn hàng giao mỗi ngày trong năm 2019 và Lazada là 700.000 đơn; Sendo.vn, Tiki.vn dao động ở mức 500.000 - 600.000 đơn/ngày.
Theo báo cáo về kinh tế số Đông Nam Á 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cú "bắt tay" này thành hiện thực sẽ tạo ra một công ty mới có tiềm lực mạnh mẽ, đủ sức đấu với 2 đối thủ còn lại.
Đồng thời, cả Tiki và Sendo đều bớt đi được một đối thủ mạnh, giảm được lượng lớn chi phí vận hành, liên thông về công nghệ, mở rộng khách hàng...
Việc Sendo và Tiki sáp nhập chưa chắc đã có thể tạo nên một kỳ lân công nghệ |
Lợi mà không lợi
Theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), "giả sử 2 doanh nghiệp này sáp nhập thì sẽ tạo ra một doanh nghiệp thương mại điện tử nội đủ năng lực, tầm vóc để cạnh tranh đường dài với doanh nghiệp ngoại. Như vậy, đây là một hướng đi tốt của các doanh nghiệp nội ngành thương mại điện tử. Từ đó, Việt Nam mới làm chủ được những ngành công nghiệp tương lai như thương mại điện tử".
Tuy nhiên, trường hợp sáp nhật này là khó có thể xảy ra bởi tính riêng phương thức kinh doanh, đội ngũ của 2 doanh nghiệp lớn này, việc sáp nhập không phải dễ dàng. Có chăng, có thể là một doanh nghiệp lớn nào đó đứng ra đưa 2 "ông lớn" này về chung một nhà. Còn nếu thực sự xảy ra thì hai doanh nghiệp có thể bổ trợ để tăng sức cạnh tranh cho nhau.
Đồng quan điểm việc sáp nhập là khó có thể xảy ra, ông Nguyễn Việt Hùng - KOL trong cộng đồng startup công nghệ cho rằng, việc Tiki và Sendo kết hợp với nhau chỉ là màn "song kiếm hợp bích" nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường chứ không phải là cuộc "khắc nhập" M&A để tạo nên một gã khổng lồ mới bởi mô hình của hai trong 4 "ông lớn" của ngành thương mại điện tử này, cơ bản khác nhau.
Nếu M&A xảy ra, 4 ông lớn giờ chỉ còn là cuộc cạnh tranh của 3, vì thế khắc nghiệt hơn. Cuộc đua càng khắc nghiệt thì người tiêu dùng lại chờ đợi xem mình sẽ được hưởng lợi gì, nhưng cũng có vài băn khoăn vì họ có những trải nghiệm xung đột khác nhau trong quá khứ.
Nói cách khác, nếu như hiện nay, trước khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng có xu hướng so sánh giá cả cũng như dịch vụ của tất cả các nhà cung cấp tại các sàn thương mại điện tử cụ thể là tại Shopee, Lazada, Sendo, Tiki...cơ hội sẽ chia đều cho tất cả (2 đối đầu 2).
Thế nhưng, sau khi sáp nhập, một mình công ty mới sẽ phải chịu sức áp cạnh tranh với 2 "ông lớn" còn lại. Do đó, kỳ vọng việc giảm chi phí, tăng doanh thu khi về cùng một nhà của Tiki và Sendo rất có thể sẽ mang lại tác dụng ngược lại.
Thực tế, khách hàng luôn là người được hưởng lợi từ những cuộc cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi muốn chiến thắng, doanh nghiệp sẽ phải nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách tạo nên lợi thế riêng của mình, cụ thể là tạo dựng được lợi ích cho người tiêu dùng cuối.
Vân Linh