Tiếp sức cho doanh nghiệp bởi tác động của đại dịch Covid -19

09:59 11/05/2021

Doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Điều này càng cho thấy các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn và cần sự hậu thuẫn của Chính phủ.

Gần 90% Doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, hơn 87% doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong năm 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng của Covid-19 là “hoàn toàn tiêu cực” lần lượt là 15% với doanh nghiệp tư nhân trong nước và 13% với doanh nghiệp FDI. Chỉ có 2% doanh nghiệp, trong đó chưa đến 1% là doanh nghiệp FDI, đánh giá Covid-19 có ảnh hưởng “tích cực”. 

  Doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. 

Với khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, ngành kinh doanh bị ảnh hưởng ít nhất là bất động sản. Với khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất giấy (24%), máy móc (18%), cao su và nhựa (18%) là các ngành cho biết ảnh hưởng của dịch là “tích cực” hoặc “không ảnh hưởng gì”.

Đa số doanh nghiệp, ngay cả trong những ngành kể trên, cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 trong năm 2020. Cũng theo báo cáo khảo sát của VCCI, khối doanh nghiệp FDI chủ yếu gặp các khó khăn liên quan đến gián đoạn các chuỗi cung ứng (42%) và tiếp cận các thị trường quốc tế (50%).

Với khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, chủ yếu hoạt động trong ngành bán buôn, bán lẻ và các ngành dịch vụ khác. Các thách thức lớn nhất đến từ việc thị trường nội địa bị thu nhỏ, dẫn đến dòng tiền của doanh nghiệp bị sụt giảm (47%) và lượng khách hàng nội địa sụt giảm do khó tiếp cận (44%).

Không chỉ vậy, doanh thu của nhiều doanh nghiệp lao dốc. Tỷ lệ doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu là 66% với doanh nghiệp tư nhân trong nước và 62% với doanh nghiệp FDI, trong khi mức giảm doanh thu của doanh nghiệp trung vị là 36% so với năm trước đó. Cùng với đó, chi phí leo thang khi các doanh nghiệp phải chi trả thêm các chi phí để đảm bảo an toàn và vệ sinh phòng dịch.

Tỷ lệ tương ứng cho doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI là 57 và 71%. Trong bối cảnh nguồn lực ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp vật lộn để tồn tại, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng mạnh do doanh nghiệpgiải thể hoặc cắt giảm lao động mạnh để giảm chi phí. Chỉ tính theo điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020, tổng số lao động bị mất việc đã là 40.239 người (27.918 người trong khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và 12.321 trong khối doanh nghiệp FDI).

Các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành thông tin, truyền thông bị ảnh hưởng nặng nhất về doanh thu và lao động. Khoảng 80% doanh nghiệp (tính gộp) trong các ngành này bị sụt giảm doanh thu ở mức trung bình là 53% (tư nhân trong nước) và 60% (FDI) so với năm 2019. Doanh nghiệp tư nhân trong nước thuộc các ngành dịch vụ giáo dục và lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề, với 71% doanh nghiệp báo cáo doanh thu sụt giảm ở mức tương đương với 46% doanh thu năm 2019.

Với cả hai khối doanh nghiệp, các ngành sản xuất đồ da, may mặc xuất hiện trong danh sách 10 ngành bị ảnh hưởng nhất. Với khối FDI, ngành sản xuất xe có động cơ là nhóm chịu tác động tiêu cực lớn nhất (81% doanh nghiệp trong ngành bị sụt giảm doanh thu) và đứng thứ 5/10 ngành bị ảnh hưởng nhất.

Tương tự, các doanh nghiệp trong nước thuộc các ngành sản xuất máy tính và thiết bị điện tử đứng thứ ba, với tỷ lệ 79% doanh nghiệp trong ngành bị thiệt hại. Ở đầu bên kia, bất động sản và tài chính là hai ngành vượt qua khủng hoảng hiệu quả hơn.

Điều chỉnh các gói hổ trợ

Trước bối cảnh này, bên cạnh việc doanh nghiệp chủ động đưa ra các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch như chuyển đổi hoạt động, phương thức sản xuất kinh doanh, tự động hoá, Chính phủ đã có các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: “Các chính sách hỗ trợ về thuế được các doanh nghiệp đánh giá là hữu ích nhất, tiếp đến là hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và phí công đoàn và hỗ trợ giảm lãi suất và giãn thời gian cho vay. 67% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 57% doanh nghiệp FDI đã đánh giá hỗ trợ gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là hữu ích”.

Với từng chính sách, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chính sách khá hữu ích ở mức trên 60%. Trái lại, phần lớn doanh nghiệp đánh giá hầu hết các chính sách là khó tiếp cận. Như vậy, các chính sách hỗ trợ kinh tế của Việt Nam hữu ích nhưng chỉ với một số doanh nghiệp có đủ thông tin, nguồn lực, liên kết, tài chính và phương tiện để tiếp cận. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI đánh giá các chính sách này là hữu ích ít hơn đáng kể, ít hơn 10 điểm phần trăm so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng chính quyền đã rất nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng bằng nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận các chính sách này. Đồng thời các chính sách hỗ trợ vẫn chưa đủ để đưa nền kinh tế hồi phục, bởi cú sốc Covid là rất lớn.

Ông Lộc cho rằng tác động không đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương là do tính chất đặc hữu của dịch bệnh hơn là do sự ứng phó của chính quyền các địa phương.

Do vậy, theo ông Lộc, chính quyền các cấp cần ưu tiên việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân khắc phục ảnh hưởng của dịch một cách công bằng và hợp lý. Đặc biệt, Việt Nam nên cân nhắc đầu tư nguồn lực vào việc tái đào tạo và trang bị kỹ năng cho những người lao động bị mất việc làm do Covid-19 hiện đang cần tìm kiếm việc làm trong các khu vực kinh tế có khả năng ứng phó khủng hoảng linh hoạt hơn.

Đồng thời, cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ cấp tỉnh tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng hơn. Điều này rất quan trọng, bởi thất nghiệp kéo dài và thị trường lao động trì trệ có thể bào mòn kỹ năng của người lao động, khiến những doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng càng khó có cơ hội trong tương lai.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục rà soát lại những gói hỗ trợ tài chính năm 2020 để thiết kế lại những gói khác cho phù hợp hơn. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 liên quan tới chuyện giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp với thời hạn 3-6 tháng trong năm nay. Ông Lực cho rằng cần tiếp tục tính toán với gói an sinh xã hội, những cơ chế chính sách khác, nhất là cho lĩnh vực hàng không và du lịch.

Các gói hỗ trợ năm 2021 cần thiết kế phù hợp hơn. Ví như năm ngoái, trong gói an sinh xã hội, 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% nhưng điều kiện đưa ra không phù hợp. Chính vì thế doanh nghiệp không tiếp cận được, nên lần này phải thiết kế lại chính sách phù hợp hơn thông qua thực tiễn và kiến nghị của các hiệp hội và doanh nghiệp.

PV