Tham gia đoàn khảo sát có ông Nguyễn Thanh Vân - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử toàn cầu Việt Nam, ông Xi Yiyi – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, ông Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty chợ đầu mối Nam Hà Nội cùng lãnh đạo chính quyền huyện Thanh Oai, xã Bích Hòa cùng các thành viên Hiệp hội, doanh nghiệp Trung Quốc đã đến khảo sát cơ sở hạ tầng tại Chợ đầu mối Nam Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Vân - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử toàn cầu Việt Nam cho biết: “Ngày 29/3/2024, Hiệp hội Thương mại điện tử toàn cầu Việt Nam có giới thiệu đề án D2C với các nhà sản xuất Trung Quốc về mô hình bán hàng livestream sang Việt Nam. Nhằm thúc đẩy phát triển hàng hóa và nhận thấy đây cũng là cơ hội hợp tác và thúc đẩy hàng hóa giữa các doanh nghiệp Việt – Trung. Hiệp hội Thương mại điện tử tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã chủ động sang Việt Nam và tiến hành khảo sát cơ sở hạ tầng một số địa điểm, trung tâm ivestream trong đó có Chợ đầu mối Nam Hà Nội ”.
"Chợ đầu mối Nam Hà Nội có cơ hội xây dựng, phát triển thành chợ thương mại hàng hóa điện tử và tiêu dùng Trung Quốc, thông qua hoạt động và hỗ trợ của Hiệp hội Thương mại điện tử toàn cầu Việt Nam sẽ có từ 200 – 500 doanh nghiệp Trung Quốc sang kinh doanh tại chợ, đây cũng là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc" – ông Vân cho biết thêm.
Chợ đầu mối Nam Hà Nội được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hệ thống cấp thoát nước và hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng như hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Dự án sẽ trở thành Chợ đầu mối lớn nhất khu vực phía Bắc với hơn 500 kiosk được thiết kế thành các dãy kiosk 2 tầng hiện đại, khoảng cách giữa các dãy từ 10 - 12m đảm bảo thuận tiện đi lại và giao thương. Hệ thống PCCC tiêu chuẩn, đáp ứng mọi tình huống, hệ thống vệ sinh, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, mạng lưới giao thông trong khu chợ được thiết kế bám sát địa hình khu đất. Đảm bảo liên hệ thuận tiện giữa khu vực chợ tập trung và khu vực các kiosk nông sản, cũng như đến các khu vực phụ trợ khác trong dự án.
Thông qua đề án Phát Triển thương mại điện tử Việt Nam - Trung Quốc theo mô hình D2C (Direct-to-Consumer) hay M2C (Manufacturer-to-Consumer) là chiến lược kinh doanh trong đó các công ty sản xuất và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng mà không thông qua các kênh bán hàng truyền thống như cửa hàng bán lẻ hay nhà phân phối. Trong thời quan qua, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thị trường thương mại điện tử toàn cầu và phát triển mô hình M2C đang định hình tương lai của kinh tế toàn cầu.
Người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu đón nhận xu hướng mới này. Thông qua mô hình D2C này cho phép khách hàng Việt Nam có thể thăm quan và trải nghiệm sản phẩm thực tế tại các trung tâm Livestream, tương tác trực tiếp với khách hàng và điều chỉnh sản phẩm dựa trên phản hồi của họ. Điều này giúp nâng cao sự hài lòng của khách hàng, xây dựng lòng tin với khách hàng.
Trung tâm Livestream sẽ được đầu tư tại Chợ đầu mối Nam Hà Nội, các doanh nghiệp Trung Quốc không mất chi phí thuê mặt bằng, không mất chi phí thuê nhân viên người Việt Livestream, không mất tiền thuê các cổng Livestream với lượng follower lớn mà toàn bộ các chi phí trên sẽ được tính chia sẻ theo tỷ lệ phần trăm bán được hàng. Nhà sản xuất thỏa thuận về giá bán sản phẩm và tỷ lệ phần trăm triết khấu cho phía doanh nghiệp Việt Nam cho mỗi đơn hàng và các điều khoản về thanh toán quốc tế, chi phí vận chuyển, các khoản thuế, phí xuất nhập khẩu theo quy định của phát luật Việt Nam và pháp luật về thương mại điện tử.
Chợ đầu mối Nam Hà Nội đang hình thành hệ thống logistics nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hàng nông sản. Đặc biệt, không ngừng tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản qua các kênh thương mại điện tử. Việc đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới là hướng đi phù hợp, giúp cho các các quốc gia mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa không chỉ trong nước mà còn là cơ hội hợp tác và đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế.
Hạnh Nguyên