Thị trường nguyên liệu công nghiệp 27/1: Giá đường và phê tăng mạnh, ca cao biến động nhẹ |
Thị trường cà phê tiếp tục duy trì đà tăng mạnh. Giá cà phê Arabica (KC1!) tăng 3,6 cent, tương đương 1%, lên 3,4755 USD/pound, sau khi đạt mức cao kỷ lục 3,4890 USD/pound vào phiên trước đó.
Các đại lý cho biết, nguồn cung cà phê vẫn khan hiếm trên toàn cầu, trong khi các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Các công ty giao dịch dự kiến sớm đưa ra ước tính mới về sản lượng cà phê của Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Trong khi đó, ngân hàng Commerzbank nhận định rằng mối lo thiếu hụt nguồn cung có thể đang bị thổi phồng.
Theo công ty tư vấn Safras & Mercado, doanh số bán kỳ hạn cà phê vụ 2025/26 của Brazil hiện đạt khoảng 12% sản lượng dự kiến, thấp hơn mức 19% cùng kỳ năm ngoái. Cà phê Robusta (RC1!) cũng tăng 1,1%, lên 5.544 USD/tấn.
Giá ca cao có xu hướng ổn định. Hợp đồng ca cao London C1! ghi nhận mức 9.186 GBP/tấn, gần như không đổi so với phiên trước. Trong khi đó, hợp đồng ca cao New York (CC2!) tăng nhẹ 0,4%, lên 11.593 USD/tấn. Mặc dù thị trường vẫn trong xu hướng tăng giá, các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và không muốn đẩy giá lên cao hơn nữa.
Theo Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO), trữ lượng ca cao toàn cầu cuối niên vụ 2023/24 được dự báo ở mức 1,04 triệu tấn, giảm 36% so với niên vụ trước. Tại Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao hàng đầu thế giới, vụ thu hoạch giữa vụ năm nay được dự báo là thấp nhất trong 15 năm, với sản lượng dự kiến không vượt quá 300.000 tấn.
Giá đường tương lai trên sàn ICE tăng trong phiên cuối tuần, khi lo ngại về dư cung trên thị trường xuất khẩu dần lắng dịu.
Hợp đồng đường thô (SB1!) tăng 0,33 cent, tương đương 1,8%, chốt ở mức 19,02 cent/pound sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng vào đầu tuần. Đường trắng (SF1!) cũng tăng 2,3%, lên 498,20 USD/tấn.
Các nguồn tin cho biết, tại Ấn Độ, các nhà máy đường gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng xuất khẩu sau khi chính phủ nước này cho phép xuất khẩu 1 triệu tấn, do giá nội địa tăng cao hơn giá thế giới. Trước khi được chấp thuận xuất khẩu, giá đường Ấn Độ thấp hơn nhiều so với giá toàn cầu, giúp hoạt động xuất khẩu có lãi. Tuy nhiên, sau khi lệnh xuất khẩu được thông qua, giá trong nước tăng mạnh trong khi giá quốc tế giảm.
Tại Thái Lan, doanh nghiệp nước này đối mặt thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (tương đương 29,5 triệu USD) do Trung Quốc cấm nhập khẩu một số sản phẩm đường từ quốc gia Đông Nam Á này, khiến nhiều lô hàng bị mắc kẹt tại các cảng của Trung Quốc.