Khả năng bứt phá của VN-Index
Phiên giao dịch 16.7, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng sang phiên thứ 2 liên tiếp nhờ hiệu ứng trong ngày đáo hạn hợp đồng tương lai, sau khi giằng co trong phần lớn thời gian thị trường được kéo lên mạnh mẽ trong ít phút còn lại ở phiên ATC. Đây cũng là phiên thị trường đóng cửa ở mức cao nhất trong 6 phiên vừa qua và thanh khoản thị trường đang trong xu hướng tăng dần.
Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 6,92 điểm lên 876,83 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 9,67 điểm lên 819,83 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 165 mã tăng/193 mã giảm, ở rổ VN30 có 23 mã tăng, 2 mã giảm và 5 mã giữ tham chiếu. Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa tăng 0,03% và vốn hóa nhỏ giảm 0,12%.
Theo MBS, VN-Index có khả năng bứt phá khỏi vùng giá tích lũy hiện tại. Ảnh: FireAnt. |
Thanh khoản thị trường vẫn trong xu hướng tăng, từ mức 3.100 tỉ đồng đầu tuần lên mức 3.738 tỉ đồng trong phiên 16.7 vừa qua.
Khối ngoại vẫn tiếp tục đà bán ròng, tuy nhiên tín hiệu tích cực khi chỉ bán còn khoảng 20 tỉ đồng. Áp lực bán của khối ngoại tập trung vào VCB, DXG và SAB…
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng bứt phá khỏi vùng tích lũy đã kéo dài sang phiên thứ 6 liên tiếp, tuy vậy mức dao động có thể trong biên độ hẹp. Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index có thể gặp lực cản từ đường xu hướng giảm nối 2 đỉnh từ đầu năm và tháng 6 trong phiên 17.7, tuy vậy các nhịp rung lắc vẫn là cơ hội để tích lũy thêm cổ phiếu, khả năng thị trường tiến tới vùng 900 điểm vẫn được bảo lưu.
Cơ hội gia tăng tỉ trọng
Có thể nói, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm đang là động lực thúc đẩy nhà đầu tư tham gia các kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn, trong đó có kênh đầu tư chứng khoán.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ duy trì đà tăng trong phiên 17.7.
Đồng thời, Yuanta Việt Nam cho biết họ nhận thấy dòng tiền vẫn có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn có thể tiếp tục thu hút dòng tiền trong ngắn hạn. Điểm tích cực là tâm lý nhà đầu tư tiếp tục cải thiện tích cực hơn.
Theo hệ thống chỉ báo của Yuanta Việt Nam, thị trường vẫn duy trì xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh này, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới.
Công ty chứng khoán này cũng cho rằng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa vẫn là nhóm cổ phiếu cần chú ý trong giai đoạn này.
Bên cạnh diễn biến về giá tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, trên thị trường còn có nhiều doanh nghiệp có mức cổ tức tốt, duy trì mức cao trong nhiều năm qua. Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng đây cũng là một cơ hội đầu tư trong bối cảnh hiện tại.
Thực tế tại một số ngân hàng nhỏ, để cạnh tranh sẽ có thể những mức lãi suất khuyến mãi, đưa mức lãi suất kỳ hạn 1 năm lên trên 7%/năm, có trường hợp gần với mức 8%/năm. Dựa trên khảo sát này, Mirae Asset chia danh mục các cổ phiếu có dòng cổ tức cao, ổn định thành 3 nhóm.
Nhóm đầu tiên là các phiếu ít ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có mức thu nhập cổ tức cao, bao gồm các cổ phiếu như UIC, SLS, VCS, BMP, TAC, SZB, THG, PET.
Nhóm thứ 2 là các doanh nghiệp có ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng có mức cổ tức cao và có khả năng duy trì. Nhóm này bao gồm các cổ phiếu DPR, DSN, MSH, PPC, TCL, NTL và TIP.
Nhóm thứ 3 là nhóm các doanh nghiệp có thể theo dõi thêm trong trường hợp giá giảm về mức hợp lý bao gồm BMI, PAC, FMC, REE, DHT, PHR, TRC.
Nhật Lệ