Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 7 và lũy kế 7 tháng đầu năm 2024. Theo báo cáo, tổng doanh thu của chuỗi Thế giới Di động (bao gồm Topzone) và Điện máy Xanh trong 7 tháng đầu năm đạt 51.300 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 7, doanh thu của hai chuỗi này đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng giảm nhẹ so với tháng trước đó, do kết thúc mùa cao điểm máy lạnh và sự kiện bóng đá.
Công ty ghi nhận sự tăng trưởng trong một số ngành hàng như máy tính xách tay và máy giặt, bắt đầu vào mùa cao điểm, cùng với nhóm điện thoại vẫn duy trì mức tăng trưởng tích cực liên tục trong nhiều tháng.
Đối với chuỗi Bách hóa Xanh, doanh thu lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 7, chuỗi này đạt hơn 3.600 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 28% so với cùng kỳ và tăng nhẹ so với tháng trước. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng trong tháng 7 đạt 2,1 tỷ đồng. Chuỗi này cũng mở thêm 3 cửa hàng trong tháng 7, nâng tổng số cửa hàng lên 1.704.
Ngược lại, MWG tiếp tục đóng cửa một số cửa hàng điện máy và nhà thuốc không hiệu quả. Đến cuối tháng 7, Thế giới Di động còn 1.028 cửa hàng, giảm 18 cửa hàng so với cuối tháng 6; Điện máy Xanh còn 2.034 cửa hàng, giảm 59 cửa hàng; và Nhà thuốc An Khang còn 387 cửa hàng, giảm 94 cửa hàng so với cuối tháng 6. Chuỗi AvaKids vẫn giữ nguyên số lượng 64 cửa hàng, trong khi chuỗi EraBlue tại Indonesia mở thêm 4 cửa hàng, nâng tổng số lên 65 cửa hàng.
So với cuối tháng 6/2023, số lượng cửa hàng Thế giới Di động của MWG đã giảm 152 cửa hàng, chuỗi Điện máy Xanh giảm 255 cửa hàng, và chuỗi An Khang giảm 150 nhà thuốc.
Trong buổi họp nhà đầu tư ngày 16/8, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO của các chuỗi Thế giới Di động, Điện máy Xanh, An Khang, và EraBlue, cho biết, mặc dù số lượng cửa hàng giảm, nhưng doanh thu của hai chuỗi điện máy vẫn tăng trưởng nhờ vào các biện pháp "tăng chất" như đẩy mạnh hoạt động bán hàng, khuyến mại, truyền thông, ổn định giá cả, cung cấp giải pháp tài chính cho khách hàng, và cắt giảm chi phí lãng phí. Ông cũng cho biết, tỷ suất lợi nhuận của hai chuỗi điện máy đang trở lại mức cao và có thể duy trì nếu giá cả ổn định như hiện tại. Tuy nhiên, công ty sẽ tập trung vào việc gia tăng doanh thu để nâng cao giá trị tuyệt đối về lợi nhuận.
Đối với chuỗi An Khang, công ty đang tiến hành tái cấu trúc và dự kiến số lượng nhà thuốc sẽ giảm xuống còn khoảng 300 cửa hàng vào cuối năm 2024. Còn với chuỗi Bách hóa Xanh, theo ông Phạm Văn Trọng - CEO của chuỗi này, công ty dự kiến sẽ mở thêm ít nhất 50-100 cửa hàng mới trong năm nay và đã chuẩn bị các kế hoạch cho việc mở rộng trong năm sau, bao gồm công thức mở mới và chiến lược phát triển nguồn lực.
P.V (t/h)