Thành Nhà Hồ - Công trình kiến trúc vĩ đại, địa danh du lịch trọng điểm quốc gia

08:57 16/05/2022

Là một trong những công trình kiến trúc còn sót lại của thời kỳ phong kiến Việt Nam, mặc dù không gắn liền với những trận đánh nổi tiếng như đấu trường La Mã, vẽ hào nhoáng của Đền thờ Taj Mahal, hay sự kỳ vĩ của Vạn Lý Trường Thành và nổi tiếng như Kim Tự Tháp Ai cập. Thành Nhà Hồ đã để lại một dấu mốc lịch sử quan trọng, sự phát triển về kiến trúc của một triều đại phong kiến trên đất nước Việt Nam.

Ông Khaled - Enany Trưởng đoàn Ai Cập - một nhà khoa học về di sản có uy tín trên thế giới, phát biểu tại Kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris, Cộng hòa Pháp: “Tôi là nhà khoa học khảo cổ học, đã nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này và đã đi rất nhiều nước trên thế giới. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ, Việt Nam và so sánh với những thành cổ được công nhận là di sản văn hóa thế giới ở đất nước chúng tôi (Ai Cập) thì thấy rằng, Thành Nhà Hồ không chỉ là tòa thành tiêu biểu ở khu vực Đông Nam Á mà hoàn toàn xứng đáng là di sản văn hóa thế giới. Nếu các bạn có dịp đến Việt Nam, thăm Thành Nhà Hồ cũng sẽ có ý kiến như tôi”. 

Công trình kiến trúc vĩ đại còn sót lại của thời kỳ phong kiến Việt Nam
Công trình kiến trúc vĩ đại còn sót lại của thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, ngày 27/6/2011, tại Kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris, Cộng hòa Pháp, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức quyết định đưa Di tích Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

Ngay từ những ngày đầu Thành nhà Hồ được ghi nhận là di sản văn hóa thế giới, trung tâm di sản thế giới Thành nhà Hồ đã bắt tay vào việc di dời 31 hộ dân nằm trong vùng di sản ra khu vực tái định cư; cải tạo, nâng cấp tuyến đường trong khu vực công trường khai thác đá cổ núi An Tôn giúp du khách tới tham quan được thuận lợi; xây dựng Quy hoạch tổng thể cấp Quốc gia bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản và các di tích phụ cận... 

Khai quật Khảo cổ Thành Nhà Hồ phát hiện nhiều dấu tích quan trọng
Khai quật Khảo cổ Thành Nhà Hồ phát hiện nhiều dấu tích quan trọng.

Trong giai đoạn từ năm 2011-2021, Thành nhà Hồ đã tập trung ưu tiên, đặc biệt là công tác nghiên cứu, khai quật các điểm di tích ở Thành Nội, Hào thành, đàn tế Nam Giao, Đường Hoàng Gia (trước cửa Nam); công trường khai thác đá cổ núi An Tôn (xã Vĩnh Yên); di tích Gò Ngục (xã Vĩnh Tiến) và Cồn Mả (xã Vĩnh Long), đàn tế Nam Giao, Hào thành, tường thành phía Bắc, nội thành...

Từ những cuộc khai quật này, các nhà khoa học, nhà sử học đã phát hiện, tìm thấy được nhiều cứ liệu quan trọng, giúp làm rõ được kỹ thuật xây dựng Thành nhà Hồ, qua đó giúp ích rất lớn cho việc trùng tu lại di sản thế giới đang bị xuống cấp ở nhiều nơi.

Đến nay, Di sản Thành Nhà Hồ trở thành điểm tham quan du lịch trọng điểm quốc gia và khu vực, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển du lịch và kinh tế, xã hội của Thanh Hóa.

Trong năm 2019, trung tâm di sản thế giới Thành nhà Hồ đón tiếp và giới thiệu về di sản Thành Nhà Hồ cho 126.660 lượt khách tham quan (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó khách trong nước 119.405(chiếm 94.2 %), khách quốc tế 7255 lượt người (chiếm 5.8%) tăng 34% so với cùng kỳ năm 2018.

Dưới tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, trong 2 năm du lịch Thành nhà Hồ cũng “ngủ đông” chống dịch. Đến năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhất là từ khi cả nước mở cửa du lịch, khách đến tham quan dần trở lại và đạt được những con số rất khả quan.

Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm di sản thế giới Thành nhà Hồ cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm 2022, Thành nhà Hồ có 79.450 lượt khách tham quan, trong đó khách ngoài tỉnh chiếm 35%. Quý 1/2022 tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019.Đặc biệt, lượng khách du lịch tham quan thực tế tại di sản có sự tăng lên và không bị bó hẹp trong phạm vi khách du lịch nội tỉnh.Cũng từ đầu năm đến nay, trung tâm di sản thế giới Thành nhà Hồ đãTiến hành lễ động thổ, giải phóng mặt bằng và thành lập Hội đồng đánh giá kiểm tra, đánh giá các cấu kiện sau hạ giải 15m tường thành thuộc dự án “Tu sửa cấp thiết tường thành đá phía Bắc di sản Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa”. Chúng tôi cũng đấu mối với các cơ quan, đơn vị và cấp có thẩm quyền lập kế hoạch, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện đề án "Phục dựng lễ tế giao, đàn Nam Giao - Tây Đô". 

Hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan trong những năm qua
Hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan trong những năm qua.

 Trong đoàn khách từ Nghệ An ra tham quan di sản thế giới Thành nhà Hồ, ông Nguyễn Quỳnh Giao chia sẻ: “Lâu nay chỉ biết đến Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ qua sách báo, dịp này cả nước mở cửa du lịch, đoàn chúng tôi rất đông người đều muốn một lần trực tiếp đến tham quan địa danh du lịch này. Cảm nhận đầu tiên khi được đặt chân tới tòa thành “độc nhất vô nhị” này là sự ngưỡng mộ về trình độ xây dựng độc đáo với sự lắp ghép các phiến đá khổng lồ của cha ông ta.Bức tường thành kỳ vĩ vừa mang thần thái của phương Đông truyền thống, vừa in đậm dấu ấn của một cuộc cách tân đất nước. Hơn nữa cảnhh quan nơi đây có giá trị phong thủy đặc biệt với sông, núi bao quanh.Di sản này còn gắn với một triều đại ngắn ngủi nhưng đặc biệt trong lịch sử dân tộc.Chúng tôi sẽ trở lại nơi đây vào một ngày gần nhất bởi còn nhiều điều bí ẩn mà tôi chưa khám phá hết”.

Để quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch Thành nhà Hồ, du lịch Thanh Hóa; gắn kết Thanh Hoá với thế giới để bạn bè, du khách, nhà đầu tư đến với Thanh Hóa, tạo cơ hội để Thanh Hoá khơi dậy, khai thác, phát triển tiềm năng, thế mạnh, thu hút tối đa nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực phát triển du lịch, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Bảo tồn, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.Dự án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư khoảng 745,6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh 300 tỷ đồng, còn lại là ngân sách Trung ương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án là năm 2022 - 2025.

Các hạng mục công trình tu bổ, phục hồi, tôn tạo gồm: Khu Trưng bày điện khảo cổ Hoàng Nguyên 9.000m2; khôi phục hào Thành phía Nam 1000m; tôn tạo vệ thành; tôn tạo đường Hoàng Gia; tu bổ, chống thấm cổng Nam; phục hồi cầu Nam Thành; phục hồi, tôn tạo Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu; đường giao thông nội bộ; cây xanh cảnh quan, điện chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật.

Đây là những hạng mục, công trình quan trọng nhằm bảo tồn vững chắc và phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Di tích này đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân xứ Thanh, mà còn là của chung mỗi người con đất Việt. Trải qua biết bao triều đại, những giá trị về thẩm mỹ, những dấu ấn về tư tưởng chấn hưng dân tộc vẫn hằn sâu trong đá, kỳ vĩ như bức tường thành, và như thể còn vẹn nguyên, khi chúng ta rũ bỏ xuống tấm rêu phủ thời gian hơn 600 năm.

Vinh-Hiền