Thanh Hóa: Xây dựng thương hiệu măng khô xã Thanh Lâm

08:01 07/06/2021

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa) được biết đến phần lớn là rừng núi đất tự nhiên, đất đai phù nhiêu màu mỡ nên thuận lợi cho cây trồng tự nhiên phát triển. Từ đây đặc sản măng khô đã được người dân chế biến thành món ăn mang thương hiệu vùng miền … UBND huyện Như Xuân đã làm các khâu thủ tục trình Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh kiểm tra, thẩm định để công nhận sản phẩm măng khô Thanh Lâm thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Khoảng tháng 6 khi những cơn mưa đã tạo điều kiện có cây măng tre, măng nứa, măng vàu ngoi lên mặt đất với hàng chục héc ta rừng luồng, tre, măng bát độ của các hộ gia đình có đất lâm nghiệp cũng được chuyên canh để khai thác măng. Trước đây, sản phẩm măng khô địa phương thường có giá bấp bênh do phụ thuộc vào các thương lái thu mua, thu nhập người dân theo đó cũng không ổn định. Năm 2020, HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm được thành lập với mục đích hỗ trợ người dân chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã đứng ra làm đầu mối tổ chức sản xuất, áp dụng công nghệ sấy măng, đóng gói và phát triển quy mô sản xuất. Nghề khai thác, sơ chế măng khô đã trở thành hướng mưu sinh hiệu quả của hàng trăm gia đình trong xã Thanh Lâm. 

Sản phẩm măng khô xã Thanh Lâm (Như Xuân) có màu vàng đẹp và chất lượng tốt.

Từ hoạt động khai thác măng, xuất hiện nhiều hộ gia đình chuyên thu gom măng tươi để thuê người sơ chế. Có ngày sơ chế đến 3 tạ măng tươi. Dưới dòng nước suối mát lành được dẫn về qua đường ống đang róc rách chảy, các hộ dân nơi đây thoăn thoắt lưỡi dao sắc lẹm để hớt những phần màu vàng và vỏ áo trên thân măng. Sau khi tiếp tục được gọt phần rễ và cắt những đoạn già, măng được chẻ mang đi sấy hoặc phơi nắng để cho ra sản phẩm “măng lưỡi lợn” - nếu là măng luồng và măng rối, măng nứa. Nghề sản xuất măng khô làm hướng thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ hàng chục năm qua của các hộ dân.

Theo ông Lê Đình Huấn - Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, nguyên liệu rất dồi dào. “Trên địa bàn xã có dãy núi Bù Mùn chạy dài cả chục cây số, măng chủ yếu được người dân khai thác ở dãy núi trùng điệp ấy. Ngoài ra, xã còn khoảng 200 ha nứa, trở thành nguồn nguyên liệu chế biến bền vững. Hiện nay, toàn xã có khoảng 350 lao động chuyên khai thác hoặc chế biến măng khô cho HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm. Hoạt động này chỉ chưa đầy nửa năm nhưng cũng mang lại thu nhập trung bình 39 triệu đồng/lao động.

Theo nhiều người dân địa phương, măng khô ở đây có màu vàng đặc trưng, khai thác và chế biến còn tự nhiên, hoàn toàn không dùng hóa chất độc hại. Nếu để quá 2 năm, khi đun nấu lâu trên bếp vẫn có độ dai chứ không mềm nhũn như măng một số nơi khi để lâu. Gần đây, Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) đã vào xã vùng sâu này khảo sát và hỗ trợ xã 2 lò sấy măng với tổng giá trị gần 100 triệu đồng để phát triển sinh kế cho người dân. HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm được giao sử dụng, hiện đã được chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân. Đây cũng là bước ngoặt để hoạt động chế biến măng khô của xã phát triển mạnh do không còn phụ thuộc vào thời tiết, trời không nắng vẫn có thể làm khô măng. Xã Thanh Lâm, UBND huyện Như Xuân đã làm các khâu thủ tục trình Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh kiểm tra, thẩm định để công nhận sản phẩm măng khô Thanh Lâm thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.

Vũ Văn Tiến