Tình hình mưa lũ và công tác ứng phó
Từ 8 giờ ngày 22/9 đến 12 giờ ngày 23/9, khu vực tỉnh Thanh Hóa có lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, một số nơi có lượng mưa lớn như: xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân 141,4mm; xã Yên Khương, huyện Lang Chánh 119,6mm; khu phố Tén Tằn, thị trấn huyện Mường Lát 116,8mm; xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn 110,6mm; xã Yên Phong, huyện Yên Định 124,2mm; xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống 123,6mm.
Nước lũ trên thượng và trung lưu vực sông Mã, sông Chu đã đạt đỉnh, đang xuống chậm, đỉnh lũ tại thủy văn Cẩm Thủy trên báo động 3 là 0,10m, tại Bái Thượng trên báo động 3 là 0,5m vào trưa ngày 23/9; hạ lưu sông Mã, sông Chu, sông Bưởi, sông Lèn, sông Cầu Chày nước lũ đang lên. Trong tỉnh Thanh Hóa có 399 hồ chứa đã đầy nước, 211 hồ có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường.
Mực nước sông Lèn lên cao. |
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, ban nghành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lũ. Cụ thể:
Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai để chỉ đạo triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng và giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân
- Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, các hộ dân sinh sống ven sông, vùng trũng thấp.
- Kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ chứa và các công trình cơ sở hạ tầng. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác và hộ đê theo quy định; xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu.
- Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
- Chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các hộ dân tại các khu vực bị cô lập, phải đi sơ tán/di dời, tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở, thiếu nước uống.
Yêu cầu Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; dự báo, thông tin kịp thời để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tại tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, an toàn hệ thống điện vận hành các hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện theo đúng quy định, bảo đảm khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn giao thông; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, vị trí đường bị ngập sâu/sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Các Công ty khai thác công trình thủy lợi chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình được giao quản lý và phương án tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; Công ty Điện lực Thanh Hóa có trách nhiệm cấp điện an toàn và liên tục cho các trạm bơm tiêu, cống tiêu (vận hành bằng điện).
Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá, Báo Thanh Hoá tăng cường thời lượng phát tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến thiên tai và chỉ đạo của cơ quan chức năng để chủ động ứng phó.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tại tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định.
Yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện.
Thông tin cập nhật từ các địa phương
Tại TP. Thanh Hóa: UBND TP. Thanh Hóa đã có công điện gửi đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, thông báo: Hiện nay mực nước sông Mã đang lên rất nhanh, vào hồi 4h mực nước đo được trại Trạm Thủy văn Lý Nhân là (+ 10,51m), dưới báo động II là 0,49m (BĐII là +11m), tại Trạm Thủy văn Giàng là (+4,69m), dưới báo động II là 0,81m (BĐII +5,5m).
Để chủ động sẵn sàng ứng phó với mực nước lũ đạt báo động II và vượt báo động II trên sông Mã, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa yêu cầu đối với các phường, xã có dân sinh sống vùng ngoại đê khẩn tổ chức lực lượng thực hiện phương án di dân theo cấp báo động trên mức báo động II.
Thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương đã chủ động di dời 584 nhân khẩu ở vùng ngập lụt, trong đó chủ yếu di dân tại chỗ, còn lại một số trường hợp neo đơn, già cả, cách biệt khu dân cư cũng đã được di dời đến an toàn.
Tại Hoằng Hóa: Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hoá yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có đê thông báo cho nhân dân biết thông tin về lũ trên sông Mã, sông Lạch Trường đang dâng cao để chủ động ứng phó; triển khai phương án sơ tán dân ở vùng ngoài bãi sông đến nơi an toàn, tuyệt đối không để người dân ở lại khi nước lũ đang dâng cao, không để người dân vớt củi trên các tuyến sông, đặc biệt là xã Hoằng Xuân, Hoằng Giang, Hoằng Phượng, Hoằng Hợp, Hoằng Cát, Hoằng Xuyên, Hoằng Đức, thị trấn Bút Sơn, Hoằng Đạt, Hoằng Hà, Hoằng Tân, Hoằng Châu...
Tổ chức nghiêm túc việc tuần tra canh gác đê và công tác hộ đê theo các phương án đã được phê duyệt. Kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu như: Sạt lở đê tại xã Hoằng Giang, Hoằng Yến, Hoằng Ngọc...
Tính đến 10 giờ sáng 23/9, huyện Hoằng Hoá đã tổ chức di dời 21 hộ dân, 48 nhân khẩu đến nơi an toàn; hỗ trợ 322 hộ di chuyển tài sản, nông sản, vật nuôi, máy móc vào phía trong nội đê và lên trên đê; hỗ trợ 46 hộ sản xuất, kinh doanh ngoại đê, 2 doanh nghiệp di dời tài sản vào trong nội đê; di dời 2 máy bơm thuỷ lợi ngoại đê vào vị trí an toàn.
Thống kê sơ bộ của huyện Hoằng Hoá cho thấy, toàn huyện có khoảng gần 180ha diện tích hoa màu và 240ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản ngoại đê bị ngập.
Tại Cẩm Thủy: Tính từ ngày 20/9 đến 9h ngày 23/9, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn huyện đã xuất hiện lũ lớn trên các khe suối và trên sông Mã.
Theo đó, nước lũ diện rộng trên tất cả các khe suối tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trong ngày 22 đã làm ngập 25 đường tràn với mực nước sâu từ 0,5 - 1,5m. Đến thời điểm 9h30 ngày 23/9, mực nước tại các tràn đã rút, giao thông đi lại đảm bảo an toàn.
Riêng cầu khe Hón Lim và cầu Bắc Sơn (xã Cẩm Tú), do ảnh hưởng nguồn nước sông Mã, đến thời điểm 9h30 ngày 23/9, mực nước trên cầu là 1,2 - 1,4 m, do đó UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Cẩm Tú làm barie và bố trí lực lượng túc trực.
Nước trên sông Mã tại Trạm Thủy văn Cẩm Thủy đến thời điểm 9h30 ngày 23/9 là 20,26m, dưới báo động III là 24cm, gây ngập 189 hộ, 698 nhân khẩu
Sạt lở đất có nguy cơ cao gây mất an toàn nên có 3 hộ, 8 nhân khẩu thuộc xã Cẩm Yên phải sơ tán từ lúc 16h ngày 22/9. Công tác sơ tán dân cư bị ngập lụt trên địa bàn huyện bắt đầu từ 20h15’ ngày 22/9.
Mực nước sông Mã đi qua địa bàn huyện Cẩm Thủy dâng cao làm cho một số diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại. Trong đó, có 20ha diện tích lúa mùa bị ngập, 17,1ha diện tích ngô bị ngập, 32ha diện tích cây màu và cây công nghiệp bị ngập.
Tại Thạch Thành: Tính đến sáng 23/9, tại huyện Thạch Thành đã tổ chức di dời khẩn cấp 54 hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đến nơi an toàn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Thạch Thành, trong những ngày qua trên địa bàn huyện liên tục mưa to. Lượng mưa phổ biến đo được từ ngày 20/9 đến 7h ngày 23/9 là 210,4mm.
Cùng với lượng nước từ thượng nguồn đổ về đã khiến mực nước sông Bưởi dâng cao. Mực nước đó được Trạm Thủy văn Kim Tân lúc 9h sáng nay là 11,51m (trên báo động II là 0,51m) và đang tiếp tục dâng.
Mưa lớn và mực nước sông Bưởi dâng cao đã gây ngập nhiều đoạn đường trên địa bàn huyện. Cụ thể, đường tỉnh 523 đoạn qua thôn Đa Đụn, xã Thành Trực bị ngập từ 15 - 20cm. Quốc lộ 217b qua thôn Vân Tiến có đoạn bị ngập sâu 50cm. Tại các xã Thành Tân, thị trấn Vân Du cũng xảy ra tình trạng ngập cục bộ.
Mưa lớn trong nhiều ngày cũng đã gây sạt lở nhiều vị trí thuộc các xã: Thành Trực, Thạch Lâm, Thạch Cẩm, Thành Minh, Thạch Bình, Thạch Tượng. Từ chiều 22/9 đến rạng sáng 23/9, huyện Thạch Thành đã tổ chức di dời khẩn cấp 54 hộ với 186 khẩu đến nơi an toàn.
Trong số này, xã Thành Trực có số hộ dân phải di dời nhiều nhất với 25 hộ, 70 nhân khẩu do ngọn đồi Đá Bàn bị nứt há, sạt lở. Những hộ dân này được chính quyền vận động người dân xung quanh cho ở nhờ cho đến khi khắc phục xong vết sạt. Lãnh đạo huyện Thạch Thành đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, chỉ đạo công tác di dời và thăm hỏi, động viên những hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Tại Thọ Xuân: Tính đến 22h ngày 22/9, huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo 11 xã, thị trấn di dời 468 hộ dân theo cấp báo động I; đồng thời chuẩn bị phương án di dời khi có báo động 2.
UBND huyện Thọ Xuân đã ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND, ngày 22/9 về việc chủ động di dân ứng phó với xã lũ Hồ Cửa Đạt. Đồng thời, họp triển khai, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện, trưởng các cụm, UBND các xã, thị trấn. Triển khai lực lượng xung kích các xã, thị trấn tuần tra, canh gác đê 24/24h theo cấp báo động
Tại Thường Xuân: Ban CHQS huyện Thường Xuân theo phương án đã xác định huy động 100% quân số, chia làm 3 tổ cơ động đến ngay các địa phương để sơ tán nhân dân đến vị trí an toàn. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đêm tối, trên sông Âm đoạn qua xã Ngọc Phụng liên tục dâng cao, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, tổ xung kích phòng, chống thiên tai của 16 xã, thị trấn của toàn huyện kịp thời được huy động đến các xã trọng điểm để giúp dân.
Ngày 23/9, mực nước sông Chu, sông Mã chảy qua 2 phường Thiệu Khánh, Thiệu Dương, TP. Thanh Hóa đã dâng cao, khiến người dân sinh sống khu vực ngoại đê bị ngập lụt cục bộ, giao thông đi lại khó khăn. Nhiều hộ dân đã phải di dời khỏi vùng ngập lụt…
Tại các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa mưa lớn gây sạt lở nhiều tuyến Quốc lộ như: Tuyến Quốc lộ 15C, 16 và Tỉnh lộ 521D, 521E: Có nhiều điểm sạt lở tại các xã Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, Mường Lý và Thị Trấn Mường Lát (huyện Mường Lát); tuyến quốc lộ 15C đoạn từ Đồn biên phòng Pù Nhi đi về trung tâm huyện còn nhiều điểm sạt lở với khối lượng quá lớn nên chưa thể thông xe; các tuyến đường huyện, liên xã, liên thôn bản đã có nhiều thôn, bản đang bị cô lập, chia cắt.
Trước nguy cơ sạt lở các hộ dân trong vùng nguy hiểm, huyện Mường Lát đã thực hiện sơ tán 440 hộ/1.940 khẩu đến nhà văn hóa, điểm trường và nhà người thân. Tổ chức sơ tán gần 300 em học sinh tại điểm trường Mầm non khu phố Chiềng Cồng, thị trấn Mường Lát và Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý đến các vị trí an toàn. Ngày hôm nay 23-9, học sinh trên địa bàn Mường Lát nghỉ học do mưa lũ. Lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đang duy trì và tăng cường các kíp trực chỉ huy, trực ban; theo dõi nắm tình hình mưa lũ trên địa bàn; rà soát, kiểm tra hệ thống các kế hoạch, phương án ứng phó với các tình huống, sự cố, thiên tai; phương án bảo đảm thông tin liên lạc; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, trang bị, cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có lệnh.
Theo cơ quan khí tượng, 6-12 giờ tới, lũ hạ lưu sông Bưởi, hạ lưu sông Mã khả năng đạt đỉnh. Mực nước đỉnh lũ ở hạ lưu sông Bưởi tại Kim Tân lên mức 12,1m, trên báo động (BĐ)3 là 0,1m; hạ lưu sông Mã tại Lý Nhân lên mức 11,10m, trên BĐ2 0,1m; tại Giàng lên mức 6,1m, dưới BĐ3 0,4m. Lũ trên sông Hoàng Long tiếp tục xuống. Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày dẫn tới nguy cơ lũ quét và sạt lở tại các huyện miền núi vẫn rất cao.