Thanh Hóa đề xuất thêm 20 sản phẩm tham gia xếp hạng OCOP cấp tỉnh đợt I

14:24 05/03/2021

Với quan điểm là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, nên OCOP được tỉnh Thanh Hóa quan tâm đặc biệt.

Với sức lan toả của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tác động đến các chủ thể sản xuất trên toàn quốc. Nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh đã đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã và hoàn thiện hồ sơ sản phẩm để đăng ký tham gia chương trình.

Không nằm ngoài chương trình mỗi xã một sản phẩm, Thanh hóa là địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về nông sản, việc triển khai Chương trình “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thắng lợi. Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời, phê duyệt các quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, các điểm du lịch làng nghề, phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn; có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của tỉnh. Toàn bộ những cơ chế, chính sách này như là tiền đề cho các địa phương cũng như các chủ thể sản xuất có cơ hội, điều kiện tiếp cận để phát triển sản phẩm OCOP. 

Thanh hóa là địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về nông sản. Ảnh: Internet
Thanh hóa là địa phương giàu tiềm năng và thế mạnh về nông sản. Ảnh: Internet.

Tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia, gắn với việc chuẩn hóa và phát triển các sản phẩm truyền thống, làng nghề mang bản sắc của từng địa phương. Đến nay, chương trình đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, góp phần thực hiện Chương trình nông thôn mới đi vào chiều sâu. Hiện, toàn tỉnh đã có 42 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng, trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao, 36 sản phẩm đạt 3 sao; vừa đề xuất Trung ương công nhận 2 sản phẩm đạt 5 sao. Nhiều sản phẩm đã và đang phát triển thị trường rất tốt như sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, mắm và nước mắm...

Với những kết quả ban đầu đạt được, Chương trình OCOP đã hòa nhịp ngay và có tác động tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới bền vững. Để thúc đẩy tích cực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, được người tiêu dùng quan tâm, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Năm 2021, Tỉnh đề xuất thêm 20 sản phẩm xếp hạng, chấm điểm sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt I như sản phẩm tổ yến của Công tyTNHH dịch vụ Yến Sào xứ Thanh (Hậu Lộc) dự kiến tham gia đánh giá xếp hạng sản phảm OCOP cấp tỉnh đợt I-2021

Theo thông tin từ Tổ quản lý Chương trình OCOP thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới, 12 huyện, thị xã, thành phố đã tiếp tục đề xuất 26 sản phẩm tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021.Dựa trên đề xuất của các địa phương, Tổ giúp việc Chương trình OCOP đã thẩm định thực tế sản phẩm tại cơ sở sản xuất, qua đó có 20 sản phẩm đủ điều kiện tham gia và được đề xuất Hội đồng chấm điểm sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá xếp hạng lần này. Dự kiến, hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 sẽ diễn ra trong quý I-2021.

Với quan điểm là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, nên OCOP chắc chắn được tỉnh Thanh Hóa quan tâm đặc biệt. Nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện nên cũng chính là mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Lê Mai

Tags: