Đánh giá sau 2 năm triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, lĩnh vực thanh toán đã được NHNN chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, quyết liệt, lấy việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm nhân tố quyết định.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ
Theo Phó Thống đốc NHNN, trong năm 2018, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ bàn hành Quyết định 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội; đồng thời ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng nhằm tăng khả năng thanh toán liên thông, tăng cường an toàn, bảo mật giao dịch khách hàng.
Hiện nay, lĩnh vực thanh toán đã đạt một số kết quả nổi bật như: Hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM ngày càng được hoàn thiện, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong phát triển TTKDTM, tăng cường đảm bảo an ninh trong hoạt động thanh toán, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng - hệ thống thanh toán xương sống của Quốc gia - được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt... Đặc biệt, một số NHTM đã nghiên cứu, hợp tác triển khai các công nghệ, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless), công nghệ mPOS...
Trong khi đó, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, TTKDTM đã có những chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mạng lưới ATM/POS cũng được các ngân hàng chú trọng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa để phục vụ khách hàng. Thẻ ngân hàng tiếp tục trở thành phương tiện quen thuộc của người dân, chất lượng dịch vụ thẻ cũng được các ngân hàng chú trọng và nâng lên. "Mặc dù tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM vẫn tăng qua các năm, nhưng tốc độ tăng trong năm 2018 có xu hướng giảm dần. Thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công được chú trọng, tăng cường", ông Dũng nhấn mạnh.
Về công tác an toàn, bảo mật, ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin chia sẻ, để đảm bảo an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ ngân hàng, NHNN đã thường xuyên, liên tục rà soát, ban hành mới hoặc sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các TCTD trong việc tăng cường đảm bảo an ninh, bảo mật các giao dịch ngân hàng và hệ thống thanh toán.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng ngân hàng điện tử, khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ ngân hàng trực tuyến; đồng thời tiếp nhận ý kiến trực tiếp từ khách hàng nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. NHNN đã và đang phối hợp triển khai các chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”...nhằm nâng cao kiến thức, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm tài chính, ngân hàng.
Theo ông Thomas William Tobin, Giám đốc khối bán lẻ Ngân hàng Ngoại Thương VN (Vietcombank), mặc dù Việt Nam đã đạt được bước tiến trong công nghệ số, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Năm 2019 sẽ là năm thay đổi rất lớn trong công nghệ thanh toán, nhất là loại thẻ không tiếp xúc, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở "Đặc tả kỹ thuật QR Code.
Ngoài ra, ông Lê Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng, đã đến lúc nên định nghĩa lại COD, và cũng nên tính đến phương án người giao hàng, thay vì nhận tiền mặt như hiện tại thì cầm theo máy POS để cà thẻ trả tiền. Đây chắc chắn là một gợi ý gắn với thực tiễn mà các ngân hàng lẫn các cơ quan quản lý muốn thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Những định hướng, giải pháp 2 năm tới
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai một số định hướng, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó giúp định hình và từng bước tạo dựng một xã hội không dùng tiền mặt tại Việt Nam, cụ thể là:
Thứ nhất, triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại Nghị quyết số 01, 02 năm 2019 của Chính phủ: (i) Thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code; (ii) Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; (iii) Phối hợp với Bộ Tài chính công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.
Thứ hai, triển khai có hiệu quả một số đề án, chiến lược thuộc lĩnh vực thanh toán như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán giai đoạn 2014-2020.
Thứ ba, đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); nghiên cứu, áp dụng các ứng dụng giải pháp, công nghệ mới trong thanh toán điện tử tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như QR code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, xác thực sinh trắc học…nhằm tăng cường đổi mới, tạo sự phát triển bứt phá trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán.
Thứ tư, triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; thực hiện thí điểm một số mô hình thanh toán mới, ban hành và áp dụng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ năm, tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo ổn định, an toàn, hiệu quả; triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.
Tính đến ngày 30/9/2018, cả nước có ATM có 18.170, tăng 4% so với cuối năm 2016; máy chấp nhận thanh toán (POS) là 294.500, tăng 11,8% so với cuối năm 2016. Số lượng thẻ tăng trưởng mạnh đến nay đạt khoảng 101 triệu thẻ.
Thực tế, thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công hiện có trên 81% đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tương đương 80% cán bộ, công chức,viên chức nhận lương qua tài khoản ngân hàng.
Số lượng tài khoản cá nhân tiếp tục tăng, đạt gần 75 triệu tài khoản cá nhân, tăng 9,1% so với cuối năm 2016.
Tính đến giữa năm 2018, cả nước có trên 43 triệu người có tài khoản tại ngân hàng, chiếm khoảng trên 60% người từ 15 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNH, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn gặp những trở ngại. Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cần thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới được thiết kế phù hợp với hành vi, nhu cầu người sử dụng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, cần tăng cường sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. Theo đó, năm 2019 sẽ là năm NHNN ưu tiên hình thức thanh toán không tiền mặt.