Tăng hạng các chỉ số trong xây dựng chính quyền số tại Phú Thọ

10:06 01/10/2022

Những năm qua, thứ hạng của Phú Thọ trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) khá ổn định và dần tiến lên tốp cao.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ hội chẩn qua hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ hội chẩn qua hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS. 

Năm 2021, Chỉ số PCI của tỉnh Phú Thọ đạt 66,11 điểm, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,59 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2020); Chỉ số PAR INDEX đạt 88,59 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 2,85 điểm và tăng một bậc so với năm 2020); Chỉ số SIPAS đạt 89,3%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,1%, tăng 8 bậc so với năm 2020); Chỉ số PAPI đạt 45,34 điểm, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố (tăng 32 bậc so với năm 2020).

Quá trình xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Phú Thọ được triển khai từ nhiều năm nay, tuy nhiên tổ chức thành hệ thống đồng bộ, liên thông, thống nhất được thực hiện quyết liệt từ năm 2019, từng bước hướng tới xây dựng chính quyền số, với mục tiêu đề ra là gắn liền với cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Nhìn lại năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 1/13 UBND huyện, thành, thị và 2/277 UBND xã, phường, thị trấn có Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại, trang thiết bị làm việc cho cán bộ cũng như phục vụ người dân đến làm việc hạn chế; đa số  máy tính đều sử dụng phần mềm ứng dụng văn phòng (Word, Excel) phục vụ cho việc báo cáo, thống kê, tính toán. Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức trong các cơ quan khối Đảng và Nhà nước của tỉnh Phú Thọ được trang bị máy tính phục vụ công tác đạt 100%; 100% cơ quan, đơn vị có kết nối internet tốc độ cao, được trang bị mạng nội bộ kết nối theo mô hình máy chủ/máy trạm.

Hệ thống một cửa điện tử được triển khai đồng bộ, thống nhất giúp theo dõi, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong phạm vi toàn tỉnh. Cổng Dịch vụ công của tỉnh kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tính đến hết tháng 9/2022, số TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3 là 819 thủ tục; mức độ 4 là 716 thủ tục; 80,41% hồ sơ TTHC của tỉnh được đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các cơ quan, đơn vị toàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống quản lý văn bản điều hành, chữ ký số, thư công vụ, hội nghị trực tuyến.

Tiếp nhận, giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại xã Yên Kỳ (Hạ Hòa)
Tiếp nhận, giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại xã Yên Kỳ (Hạ Hòa). 

100% đơn vị cấp sở, cấp huyện, 148/225 xã, phường, thị trấn có Trang thông tin điện tử hoặc chuyên trang thuộc Cổng/trang thông tin điện tử cấp huyện cung cấp các thông tin về cơ quan, đơn vị, chỉ đạo điều hành, thông tin tuyên truyền, văn bản pháp luật, dịch vụ công trực tuyến, quy hoạch, kế hoạch, dự án, đầu tư và các thông tin tổ chức, hoạt động khác của cơ quan, đơn vị, đạt tỉ lệ 65,77%, tăng 22,66% so với năm 2020.

Đặc biệt, năm 2020 tỉnh đi đầu trong triển khai dự án hệ thống truyền hình thực tuyến đến toàn bộ 13/13 huyện, thành, thị, 225/225 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống được đầu tư trang thiết bị tiên tiến gồm smart tivi, camera, máy tính, mic thu và các phụ kiện khác… đáp ứng khả năng kết nối, chuyển tiếp các cuộc họp từ hệ thống hội nghị truyền hình trung ương sang hệ thống hội nghị truyền hình từ tỉnh đến xã, giúp cấp cơ sở tiếp thu các nội dung chỉ đạo trực tiếp từ cấp trung ương được đầy đủ, kịp thời.

Trong năm 2021, Phú Thọ tập trung triển khai số hóa cơ sở dữ liệu (CSDL) các ngành, lĩnh vực một cách khẩn trương, quyết liệt, rõ nét nhằm đồng bộ hóa thông tin, dễ khai thác, sử dụng và lưu trữ, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước.

Ông Trịnh Hùng Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: Việc xây dựng hệ thống nền tảng chính quyền điện tử liên thông, đồng bộ, thống nhất 3 cấp, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động đã dần thay đổi lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức từ phương thức làm việc thủ công sang làm việc trên môi trường điện tử. Nhờ đó các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm và đồng bộ hơn; không bị gián đoạn ngay cả trong những đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19.

Chỉ sau 2 năm triển khai, cơ sở dữ liệu của tỉnh, các ngành, lĩnh vực cơ bản được triển khai đồng bộ. Dù trong điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song với phương châm “toàn diện, kiên quyết, kiên trì”, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, quá trình chuyển đổi số của tỉnh đã chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc trong hoạt động chỉ đạo quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

P.V