Tám ngành dọc công nghệ sẵn sàng bùng nổ tại Đông Nam Á 2022

11:04 09/01/2022

Trong khi thương mại điện tử, fintech và công nghệ hậu cần là những tâm điểm sáng nhất năm ngoái, một số ngành dọc khác cũng dần tăng tốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Trong năm qua, người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Đông Nam Á đã nhanh chóng áp dụng rộng rãi công nghệ kỹ thuật số ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Xu hướng này tạo ra một "mảnh đất màu mỡ" cho nhiều công ty khởi nghiệp tại khu vực trở thành kỳ lân chủ yếu trong lĩnh vực fintech, thương mại điện tử và hậu cần. Vậy, đâu sẽ là những gương mặt đón đầu mới trong năm 2022?

Chắc chắn rằng, trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn, thực tế ảo hay blockchain tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hình thành các giải pháp công nghệ. Bên cạnh đó, tiền điện tử, mã thông báo không thể thay thế NFT và Web3 đã đặt dấu chân vào mọi lĩnh vực, mở ra "chiến trường" công nghệ toàn cầu tiếp theo. 

Climate-Tech - Công nghệ khí hậu

Biến đổi khí hậu vẫn luôn là một trong những chủ đề nóng nhất khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục gia tăng. Phù thủy đầu tư Bill Gates tin rằng, tài trợ cho các đổi mới xanh là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng sắp xảy ra. Larry Fink, giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới Blackrock, lặp lại quan điểm này khi nói rằng 1.000 kỳ lân tiếp theo sẽ tham gia vào công nghệ khí hậu. Đầu tư vào công nghệ khí hậu không bị ảnh hưởng bởi tổng vốn đầu tư lớn được rót vào khu vực, vì chỉ riêng lĩnh vực này đã ghi nhận con số khổng lồ 30,8 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2021 và dự kiến còn cao hơn trong nhiều năm tới. 

Edutech - Công nghệ giáo dục

Năm 2020 và 2021 đã chào đón một loạt các công ty khởi nghiệp edutech mở ra cơ hội kinh doanh trong quãng thời gian đóng cửa do đại dịch gây ra. Năm ngoái, e-learning trở thành từ tìm kiếm thông dụng khi hầu hết mọi startup công nghệ giáo dục đều tích hợp tính năng này vào các mô hình kinh doanh. Đánh giá dựa trên dữ liệu sẽ phân tích đâu là nội dung phù hợp cho từng học sinh dựa trên khả năng và phương pháp, kinh nghiệp phong phú.

Ngoài ra, khái niệm "học để kiếm tiền" được hiểu là một hệ thống kết hợp tiền điện tử và giáo dục như một phần của xu hướng trò chơi hóa trong edutech những năm này. Theo một nghiên cứu của BlueWeave Consulting, thị trường trò chơi hóa giáo dục toàn cầu đạt giá trị 697,26 triệu USD vào năm 2020, tăng trưởng với tốc độ 29% giai đoạn 2021-2027.

Fintech - Công nghệ tài chính

Các khoản thanh toán và cho vay kỹ thuật số thu hút nhiều nguồn tài trợ nhất trong không gian fintech. Chẳng hạn như Momo và Mynt thuận lợi đạt vị thế kỳ lân. Năm 2021, nguồn tài trợ công nghệ toàn cầu đã vượt quá 20 tỷ USD với sự ra đời của robot, ngân hàng trực tuyến,... Các nhà đầu tư kỳ vọng không gian này sẽ song hành cùng quá trình dân chủ hóa thương mại, cho phép nhiều người trẻ áp dụng vào năm 2022.

Mặc dù các công ty bảo hiểm thiệt hại nghiêm trọng khoảng 55 tỷ USD do Covid-19, các nhà đầu tư toàn cầu vẫn rót vốn cho startup tương tự với mức 7,5 tỷ USD năm 2020 và dự kiến tăng tốc tại thị trường Đông Nam Á. Medici của Việt Nam, Fuse và Lifepal của Indonesia, Fairdee của Thái Lan và Bolttech của Singapore là một số startup bảo hiểm nổi bật nhận được tài trợ năm 2021.

Giải trí

Trò chơi là ngành công nghiệp lớn nhất và mở rộng nhất trên toàn cầu trong lĩnh vực giải trí. Tính đến năm 2021, lĩnh vực này đã có ba tỷ người tham gia, tương đương gần 40% dân số thế giới. Với sự hỗ trợ của công nghệ blockchain và cộng đồng tiền điện tử, trò chơi đã trở lại với khái niệm mới “GameFi”, sự kết hợp giữa “trò chơi” và “tài chính”.

Theo công ty theo dõi dữ liệu tiền điện tử DappRadar, các ứng dụng game kiếm tiền đã  vượt qua tài chính phi tập trung (DeFi) về mức độ phổ biến người dùng vào năm 2021. Thành công vượt bậc của Sky Mavis, công ty sở hữu trò chơi nổi tiếng dựa trên NFT là Axie Infinity, đã dẫn đến tranh cãi về mức phía người dùng, thậm chí kéo theo nhiều lo ngại về lừa đảo và bong bóng thị trường. Tuy nhiên, đây vẫn là một thị trường rộng mở khi nhiều người chơi cạnh tranh gay gắt.

Quỹ đạo phát triển game phù hợp với cơn sốt metaverse gây chấn động giới công nghệ hồi năm ngoái. Mặc dù vẫn còn trong những ngày đầu phát triển, metaverse thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo. Không chỉ các game thủ mà các nghệ sĩ cũng đang tận dụng sổ cái blockchain phi tập trung và NFT trong metaverse để đảm bảo quyền sở hữu đối với các sản phẩm kỹ thuật số, từ tranh và ảnh đến video nhạc và bài hát, cho phép chúng được giao dịch trên toàn cầu.

Một ngành kinh doanh khác nổi lên vào năm 2021 là làm nội dung dựa trên âm thanh. Dựa trên dữ liệu eMarketer 2019  về lượng người nghe âm thanh kỹ thuật số và sử dụng trợ lý giọng nói, cơ sở người nghe âm thanh kỹ thuật số vượt quá 300 triệu trên khắp các quốc gia, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. 

Thể thao điện tử cũng thu hút sự chú ý khi nhiều người chuyển sang các nền tảng kỹ thuật số để theo dõi thi đấu trực tiếp. Đến năm 2022, hệ sinh thái thể thao điện tử dự kiến ​​sẽ tạo ra 1,8 tỷ USD thu nhập, mở ra cơ hội cho nhiều công ty khởi nghiệp.

An ninh mạng

Tội phạm mạng đã xâm nhập lỗ hổng mạng máy tính của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong những ngày toàn thế giới làm việc tại nhà. Năm 2021, ​​mức phạt vi phạm dữ liệu tăng từ 3,38 triệu USD lên 4,24 triệu USD/lần. Đáng chú ý, các quốc gia Đông Nam Á trở thành điểm nóng cho các cuộc tấn công. Các mối đe dọa mạng chính bao gồm xâm nhập email doanh nghiệp, đánh cắp dữ liệu thương mại điện tử và tấn công tiền điện tử.

Khu vực này hiện thúc giục cộng đồng startup giải quyết những thách thức mới nhất trong an ninh mạng. Singapore đứng đầu về phát triển công nghệ tại đây. Các công ty khởi nghiệp của quốc gia khác cũng đang tìm cách tăng sức hút đầu tư năm 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu thời kỳ đại dịch.

Healthtech - Công nghệ sức khỏe

Đội giá chi phí chăm sóc sức khỏe, già hóa nhân khẩu học, số người mắc bệnh mãn tính gia tăng, thị trường chăm sóc sức khỏe ở Châu Á Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ tăng với tốc độ 8,8% lên 157 tỷ USD vào năm 2022. Điều này tạo ra một làn sóng khởi nghiệp công nghệ y tế nhanh hơn, hiệu quả hơn. Ở Đông Nam Á, chăm sóc sức khỏe từ xa và chăm sóc theo yêu cầu, phân tích dự đoán và phần mềm quản lý chăm sóc sức khỏe là một trong những phân ngành nhận được tài trợ rộng rãi nhất. Theo dự đoán của Deloitte, thế giới sẽ xuất xưởng khoảng 320 triệu thiết bị chăm sóc sức khỏe năm 2022. 

Foodtech - Công nghệ thực phẩm

Do Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực công nghệ thực phẩm tăng vọt từ 20 triệu USD năm 2019 lên 148 triệu năm 2020 và tiếp tục duy trì trong năm nay. Startup công nghệ thay thế protein chẳng hạn như thịt có nguồn gốc thực vật và các sản phẩm thay thế từ sữa, đã và đang đạt được sức hút kể từ năm 2019, chiếm khoảng 75% vốn đổ vào lĩnh vực này. 

HRtech - Công nghệ nguồn nhân lực

Đại dịch và sự gia tăng áp dụng công nghệ kỹ thuật số đã đặt ra áp lực rất lớn lên nguồn nhân lực của thế giới. Theo thống kê của Bộ Lao động Hoa Kỳ, tính đến tháng 12 năm 2020, thiếu hụt nhân tài toàn cầu lên tới 40 triệu người và dự kiến chạm mốc 85,2 triệu người vào năm 2030. Các công ty trên khắp thế giới có nguy cơ mất doanh thu 8,4 nghìn tỷ USD vì thiếu nhân lực, mở ra khoảng trống cho các giải pháp sáng tạo trong HRtech.

Cho đến nay, HRtech chủ yếu tập trung vào năm hạng mục: quản lý tài năng, thu nhận tài năng, quản lý lực lượng lao động, nhân sự và quản trị viên, cộng tác và năng suất. Các bộ phận nhân sự áp dụng AI và tự động hóa để tìm kiếm người phù hợp. Đáng chú ý, các công ty khởi nghiệp fintech cũng nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư toàn cầu. Tạm ứng lương, thanh toán thời gian thực và thanh toán tiền điện tử là một số giải pháp nhằm giữ chân lao động. 

Ví dụ, các công ty khởi nghiệp có quyền truy cập tiền lương (EWA) cho phép nhân viên nhận lương trước ngày lĩnh lương gần như ngay lập tức thông qua một ứng dụng di động được tích hợp với hệ thống tính lương của công ty. Năm ngoái, các khoản đầu tư mạo hiểm vào GIMO của Việt Nam, Wagely của Indonesia giúp doanh nghiệp ổn định tài chính cho người lao động thông qua EWA. Dailypay, một nhà cung cấp EWA hàng đầu có trụ sở tại Hoa Kỳ,  đã huy động được 500 triệu USD vào năm ngoái và đạt được vị thế kỳ lân. Payactiv có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng có hơn hai triệu người dùng và đã xử lý hơn 5 tỷ USD trong EWA, cho thấy tiềm năng to lớn của không gian này ở Đông Nam Á trong những năm tới.

TL