Chuyển dịch trung tâm trung chuyển hàng hóa
Việc tắc nghẽn cảng biển hiện không chỉ xảy ra ở Singapore mà còn lan rộng ra nhiều trung tâm thương mại sầm uất khác ở khu vực châu Á, gây gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động thương mại. Theo Cơ quan Hàng hải & Cảng vụ Singapore (MPA), thay vì 1-2 ngày như trước, nhiều tàu phải chờ đợi lên tới 7 ngày để vào làm hàng do lượng tàu đến gia tăng đồng loạt, khiến cảng Singapore bị dồn ứ.
Các chuyên gia nhận định, tình trạng tắc nghẽn cảng biển gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động thương mại của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành vận tải biển nước ta "nâng tầm" trên thị trường khu vực và quốc tế.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, ông Phạm Quốc Long, cho biết cuộc khủng hoảng tại Biển Đỏ khiến nhiều tàu phải chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, làm thay đổi lịch trình tàu. Sự thay đổi này mở ra cơ hội để Việt Nam phát huy tiềm năng chưa được khai thác.
Thực tế cho thấy, một số hãng tàu chở hàng nước ngoài đang cơ cấu lại tuyến dịch vụ và có xu hướng chuyển trung tâm trung chuyển hàng hóa từ Singapore sang các nơi khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nhiều hãng tàu đã đưa tuyến vào Việt Nam để giải phóng hàng hoá thông qua các cảng biển như cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo thông báo từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng hoá thông qua các cảng trong khu vực tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 66 triệu tấn. Lượng hàng container đạt hơn 36 triệu tấn, tăng 37%. Sản lượng hàng hóa tính theo Teu đạt hơn 5 triệu Teu, tăng 39%. Hàng quá cảnh có bốc dỡ đạt hơn 650.000 tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã đón nhận nhiều hãng tàu đối tác đưa lượng hàng trung chuyển về. Bên cạnh 8 chuyến tàu định kỳ hàng tuần, cảng này đã nhận thêm hơn 10 chuyến tàu ngoài lịch trình cố định. Tại Cảng container quốc tế Cái Mép, hãng tàu Zim đã triển khai một số tuyến dịch vụ mới chuyển từ cảng biển của Malaysia qua. Tính đến tháng 7, cảng biển này có 50 tuyến dịch vụ, bao gồm 13 tuyến Nội Á, 19 tuyến đi châu Mỹ, 4 tuyến đi châu Âu và 1 tuyến Âu - Mỹ. Dự kiến trong quý III, sẽ có thêm khoảng 2-3 tuyến dịch vụ đi châu Âu trực tiếp từ đây.
Ông Phạm Quốc Long nhấn mạnh, hiện trong tổng số 34 cảng biển của Việt Nam có 30 cảng đã tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Đáng chú ý, trong đó có 13 cảng có bến cảng được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương cho phép tàu có trọng tải lớn vào, rời bến cảng.
Lo ngại và thách thức đối với ngành cảng biển Việt Nam
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại rằng cơ hội này chỉ là tạm thời. Khi các cảng Singapore và Malaysia giải quyết xong tình trạng tắc nghẽn, các hãng tàu có thể ngừng đưa tuyến vào Việt Nam. Một điều cần nhìn nhận thẳng thắn là với năng lực và bối cảnh hiện tại, các cảng biển Việt Nam khó có thể trở thành một điểm trung chuyển mới theo hướng bền vững.
Điểm yếu lớn nhất của các cảng biển Việt Nam so với Singapore và Malaysia không chỉ nằm ở vị trí địa lý (không thuộc tuyến hàng hải quốc tế quan trọng) mà còn ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với các cảng khác trong khu vực. Hoạt động khai thác tại các cảng biển Việt Nam còn chưa chuyên nghiệp, manh mún, diện tích kho bãi ít, các cảng không liên thông, việc vận chuyển hàng hoá vào khu vực bên trong gặp khó khăn. Đặc biệt, dịch vụ hải quan của Việt Nam còn khá phức tạp.
Để "giữ chân" khách hàng lâu dài, Việt Nam cần đầu tư vào hạ tầng cơ sở, cải cách thủ tục, cung cấp cho các hãng tàu dịch vụ tốt nhất. Mặc dù việc phát triển năng lực cảng biển là một bài toán lâu dài, cần rất nhiều thời gian, nhưng trước mắt, các cảng cần có phương án tổ chức khai thác hợp lý, ứng dụng công nghệ, tăng năng suất khai thác để đáp ứng nhu cầu của các hãng tàu.
Văn phòng Chính phủ ngày 16/7/2024 đã phát đi thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc khai thác các cảng biển Việt Nam. Nhiệm vụ trước mắt là phải tăng cường duy tu nạo vét, bảo dưỡng các tuyến luồng trọng điểm quốc gia khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, sẵn sàng tiếp nhận tàu lớn ra vào. Đây là cơ hội hiếm có để các cảng biển Việt Nam hút thêm hãng tàu vào làm hàng, đón nguồn hàng có khả năng dịch chuyển mạnh mẽ về Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng giao các bộ liên quan khẩn trương có giải pháp phù hợp theo thẩm quyền hoặc đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền để tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế, tiềm lực đất nước, thu hút tối đa hàng trung chuyển khu vực qua Việt Nam, nâng cao năng lực cảng biển Việt Nam.
Anh Nguyên